"Chúng tôi cho rằng cùng với các lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước sông Mekong để phát triển, các quốc gia cần có trách nhiệm chung trong sử dụng công bằng, bền vững nguồn nước và tài nguyên nước, đảm bảo lợi ích cân bằng của tất cả các nước ven sông, vì thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho biết trong họp báo hôm nay.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về tác động khi Trung Quốc thử đập thủy điện Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, từ ngày 1/1 đến 4/1. Trong đợt thử nghiệm này, đập Cảnh Hồng giảm lượng xả từ 1.200-1.400 m3/s xuống 800-1.000 m3/s trong ba ngày đầu tiên và giảm xuống còn 504-800 m3/s vào ngày 4/1, sau đó trở lại mức bình thường, Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc cho biết.
"Việt Nam luôn quan tâm theo dõi, nghiên cứu, đánh giá các hoạt động liên quan đến nguồn nước sông Mekong", bà Hằng nói.
Thái Lan trước đó cảnh báo 8 tỉnh của nước này dọc sông Mekong sẽ bị thiếu nước do hoạt động thử nghiệm của đập Cảnh Hồng, với mực nước sông Mekong ước tính giảm khoảng 40-110 cm.
Cảnh Hồng là một trong 8 đập thuỷ điện Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, sông có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Ủy hội Sông Mekong (MRC) hồi đầu tháng 12 cho biết sông Mekong đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Các nhà nghiên cứu cho biết việc giảm xả của đập Cảnh Hồng có thể là một trong những nguyên nhân khiến khu vực hạ nguồn Mekong bị thiếu nước trầm trọng.