Chiến lược quản lý hạn hán giai đoạn 2020-2025 được thông qua tại cuộc họp thường niên của MRC tại Phnom Penh, Campuchia hôm nay, nhằm hỗ trợ các nước thành viên chống lại tình trạng hạn hán hiện nay và trong tương lai, theo thông cáo của MRC
"Chiến lược nhằm giúp các nước tiểu vùng sông Mekong giảm thiểu thiệt hại với người dân và nguồn nước trước nạn hạn hán, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng của các chính phủ, tăng cường chia sẻ thông tin, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm", Bộ trưởng Khí tượng và Thủy văn Campuchia Lim Kean Hor phát biểu tại hội nghị.
MRC là tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác tại hạ lưu sông Mekong, gồm các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Chiến lược được thông qua trong bối cảnh khu vực sông Mekong đang trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Những nghiên cứu gần đây của MRC cũng cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ở hạ lưu sông Mekong đã gia tăng trong vài thập kỷ trở lại đây.
5 vấn đề ưu tiên trong chiến lược bao gồm giám sát các dấu hiệu hạn hán như mặt đất, độ ẩm đất, cây trồng, dự báo và cảnh báo sớm hạn hán, nâng cao khả năng đánh giá và lập kế hoạch đối phó hạn hán, đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại và phát triển hệ thống chia sẻ thông tin.
Các quốc gia thành viên MRC và những đối tác phát triển sẽ tài trợ cho việc thực hiện chiến lược này. Hội đồng MRC, gồm bộ trưởng của các nước thành viên, cũng đã phê chuẩn kế hoạch hành động thường niên giai đoạn 2020-2021 với ngân sách khoảng 13 triệu USD.
Sông Mekong có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. MRC hôm 18/7 cho biết nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 đã xuống mức thấp nhất, dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử.
Các chuyên gia của MRC cho rằng có ba lý do dẫn tới mực nước thấp chưa từng có ở lưu vực sông Mekong là lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm mức xả để "bảo trì lưới điện" và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.
Ánh Ngọc