Tại hội thảo "Năm đầu thực thi UKVFTA, thành tựu và định hướng" chiều 15/3, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Anh tăng trưởng ấn tượng nhờ hiệp định thương mại này, đạt 6,6 tỷ USD, tăng hơn 17%.
Ở chiều xuất khẩu, hàng hoá Việt Nam sang Anh năm 2021 đạt hơn 5,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước đó. Còn nhập khẩu từ Anh cũng tăng 24%, đạt 900 triệu USD. Tức là Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD sang Anh trong năm qua.
"Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt và đã trở lại như trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Điều này cho thấy hiệp định này là "đường cao tốc hai chiều", giúp thúc đẩy thương mại song phương theo hướng ngày càng công bằng hơn", Thứ trưởng Khánh đánh giá.
Nhờ giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại Anh so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... Tuy nhiên, thị phần hàng Việt sang Anh mới chiếm 1%, nên dư địa tại đây còn rất nhiều cho doanh nghiệp Việt.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói thêm, sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit), Anh đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có một số nước ASEAN. Vì thế, lợi thế cạnh tranh Việt Nam đang có sẽ sớm mất đi nếu Anh có hiệp định với các quốc gia khác. Do đó, ông mong các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng thâm nhập thị trường này, bởi tiềm năng còn rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, tỷ lệ hiểu biết về hiệp định còn thấp, mới 20% và nhiều đơn vị chưa tận dụng tốt cơ hội mà các ưu đãi hiệp định đem lại.
Theo bà Trang, không phải cứ ký được hiệp định là có được thị trường, mà phải tìm hiểu cam kết của hiệp định, cơ chế, chính sách của thị trường đó, như cơ chế để sản phẩm đạt được chứng nhận hưởng hạn ngạch thuế quan...
Anh là thị trường khó tính, các chuyên gia cho rằng cơ quan xúc tiến thương mại cần giảm thủ tục hành chính, có giải pháp giúp doanh nghiệp hiểu được cam kết, cơ hội nhận được từ các cam kết này và tiếp cận thị trường... Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Chính phủ đã có chương trình hành động để bộ ngành thực thi, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhưng để hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn, quy định cấp phép với hàng hóa nhập khẩu vào Anh; xây dựng quan hệ bạn hàng với các nhà phân phối, thương mại lớn của nước này
"Các doanh nghiệp phải chủ động ứng dụng công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm khách hàng của các ngân hàng Anh", ông Thái nói.
UKVFTA có hiệu lực từ 31/12/2020. Theo cam kết sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Anh cũng cam kết rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.
Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ Anh. Sau 6 năm, số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).