Báo cáo "Chỉ số Nữ doanh nhân 2020" (MIWE 2020) của Mastercard vừa công bố cho biết, với 63,87 điểm, Việt Nam xếp hạng 25 trong tổng số 58 nền kinh tế được nghiên cứu. So với xếp hạng năm 2019, Việt Nam tụt 7 bậc.
Báo cáo này cung cấp một đánh giá tổng thể về mức độ thành công của từng nền kinh tế trong việc thúc đẩy kinh doanh cho phụ nữ so với các nam giới bằng phương pháp luận riêng, với các phân tích chi tiết dựa trên 12 chỉ số chính và 25 chỉ số phụ.
Với 26,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước do phụ nữ làm chủ, Việt Nam xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và tham gia vào lực lượng lao động. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng thứ 44 về chỉ số "Đánh giá điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp". Theo Mastercard, điều này chứng tỏ còn rất nhiều việc cần làm để hỗ trợ nữ doanh nhân.
TOP 10 NỀN KINH TẾ HÀNG ĐẦU CHO PHỤ NỮ | ||
Xếp hạng | Nền kinh tế | Chỉ số MIWE 2020 |
1 | Israel | 74.7 |
2 | Mỹ | 74 |
3 | Thụy Sỹ | 71.5 |
4 | New Zealand | 70.1 |
5 | Ba Lan | 68.9 |
6 | Anh | 68.7 |
7 | Canada | 68.6 |
8 | Thuỵ Điển | 68.3 |
9 | Australia | 67.5 |
10 | Tây Ban Nha | 67.3 |
Trong khi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25 thì tại Đông Nam Á, Thái Lan, Philippines và Indonesia nằm trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới với những điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ làm kinh doanh.
Tuy nhiên, Việt Nam có thành tích tốt ở hạng mục "Kết quả tiến bộ của phụ nữ", đo lường sự tiến bộ cũng như mức độ thiệt thòi về kinh tế và nghề nghiệp với tư cách là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia, doanh nhân và những người trong lực lượng lao động. Việt Nam xếp thứ 9 ở chỉ số này, bên cạnh các nền kinh tế châu Á có thứ hạng cao như Philippines (hạng 2), Thái Lan (hạng 9), và New Zealand (hạng 10).
Israel được đánh giá chung là nền kinh tế lý tưởng nhất cho các nữ doanh nhân. Với tham vọng tăng gấp đôi số nữ doanh nhân trong 2 năm, thành công của Israel được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ thể chế tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hai nền kinh tế dẫn đầu năm 2019 là Mỹ và New Zealand mặc dù giảm lần lượt từ hạng nhất xuống hạng hai và hạng hai xuống hạng tư, vẫn hỗ trợ cho các sáng kiến chín chắn, tập trung vào giới, giúp các nền kinh tế đảm bảo hoạt động hiệu quả thông qua việc tiếp tục tập trung vào các điều kiện thúc đẩy phụ nữ trong kinh doanh. Ở cả hai nền kinh tế, nhận thức văn hóa về khởi nghiệp, sự hiện diện của các nhà lãnh đạo nữ, và các điều kiện hỗ trợ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong thành công.
MIWE 2020 cũng chỉ ra những tác động từ đại dịch ở nhiều mức độ khác nhau mà phụ nữ trên khắp thế giới đã và đang phải đối mặt. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo có nguy cơ đóng cửa do tác động từ Covid-19 cao hơn 7% so với doanh nghiệp cùng quy mô do nam giới lãnh đạo.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chỉ nhận được 5% tổng khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ. Tiếp cận vốn là nhu cầu cấp thiết nhất của các nghiệp nhỏ do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ. Tuy nhiên, những lý do khiến nữ giới ít có khả năng tiếp cận vốn là do quy trình xét duyệt và cấp tín dụng còn bất bình đẳng.
Covid-19 cũng đã tạo ra nhiều trách nhiệm mới như chăm sóc con cái, học tập tại nhà, dẫn đến những ảnh hưởng không tương xứng đến phụ nữ. 23% nữ lãnh đạo doanh nghiệp cho biết mỗi ngày họ dành 6 giờ trở lên để làm việc nhà và chăm sóc gia đình, so với tỷ lệ 11% ở nam giới. Trong thế giới hậu đại dịch, phụ nữ nằm ngoài hầu hết kế hoạch phục hồi và khuyến khích tăng trưởng.
Viễn Thông