-
15h41
Bộ Công Thương vẫn "đang xử lý vụ xe biển xanh vào sân bay đón người nhà"
Về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới vụ "xe biển xanh vào sân bay đón người nhà", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói "Bộ Công Thương đang trong quá trình xử lý".
Tại cuộc họp báo Chính phủ cách đây một tháng, thông tin "đang xem xét xử lý và xử lý" cũng được ông Hải nêu.
Trước đó ngày 8/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi báo chí để xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng".
Sự việc diễn ra lúc 18h30 ngày 4/1, khi lực lượng kiểm soát an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho ôtô biển kiểm soát của Bộ Công Thương vào đón khách tại sân đỗ máy bay. Đây là tiêu chuẩn đón tiễn dành cho lãnh đạo Bộ.
Theo tìm hiểu, Văn phòng Bộ Công Thương ngày 3/1 có văn bản gửi đến Cảng vụ hàng không miền Bắc và các đơn vị liên quan về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Bộ này cho biết ông Trần Tuấn Anh đi công tác tại TP HCM và trở về Hà Nội lúc 17h ngày 4/1 trên chuyến bay VN262. Văn phòng Bộ đề nghị Cảng vụ hàng không miền Bắc tạo điều kiện đón Bộ trưởng tại sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh không có trên chuyến bay này. Nguồn tin cho biết, người được chiếc xe biển xanh của Bộ Công Thương đón là vợ ông Trần Tuấn Anh.
Trong ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có hai hoạt động tại Hà Nội là tiếp Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath; trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Phòng vệ thương mại cho ông Lê Triệu Dũng. Các hoạt động này được phản ánh trên Cổng thông tin Bộ.
-
15h25
Thứ trưởng Văn hoá: Việt Nam đã khẳng định là điểm đến đặc biệt
Trả lời về việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam thông qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Thứ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ đã vào cuộc chủ động, phối hợp với Hà Nội và các đơn vị để hoàn thành công việc đạt kết quả tốt.
Tại trung tâm báo chí quốc tế, Bộ Văn hóa có không gian giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; chỉ đạo Tổng cục du lịch thực hiện tour phục vụ phóng viên quốc tế miễn phí.
"Đúng như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, Việt Nam được rất nhiều. Với ngành du lịch, chúng ta đã tạo dấu ấn về một điểm đến an toàn, thân thiện. Đây là thành quả mà có nhiều tiền cũng không làm được", bà Thủy nói.
Theo bà, với khoảng 3.000 phóng viên quốc tế có mặt tại Hà Nội trong những ngày này, tận mắt trải nghiệm văn hoá, ẩm thực Việt, họ sẽ là người quảng bá rất tốt qua báo chí và trang cá nhân trên mạng xã hội.
"Phát huy hiệu ứng tích cực, chúng tôi sẽ chỉ đạo Tổng cục du lịch tiếp tục các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hoá, con người Việt Nam thông qua ngày Việt Nam ở các nước", bà Thuỷ cho hay.
-
15h20
Dừng đầu tư dự án muối mỏ Kali tại Lào
Về dự án muối mỏ tại Lào do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, ông Đỗ Thắng Hải thừa nhận "hiện dự án này đã dừng"; các cơ quan chức năng đang tích cực thu hồi kinh phí đã bỏ ra. "Mục tiêu làm sao thu hồi được cao nhất số tiền đã rót vào dự án này, kể cả tìm cách bán dự án nếu được", ông Hải nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Công Thương và Vinachem cũng tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng); BIDV 161 triệu USD; VietinBank 143 triệu USD.
Dự án này có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm và tiến hành khai thác vào năm 2020, với công suất khai thác 320.000 tấn một năm. Tuy nhiên sau hơn 2 năm khởi công, dự án đã tạm dừng từ năm 2017. Báo cáo của Vinachem về dự án cho biết lý do "tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc triển khai".
-
15h19
Giá lúa gạo đã "chuyển biến tích cực"
Trả lời về việc giá lúa giảm dẫn đến Thủ tướng phải yêu cầu mua dự trữ sớm 200.000 tấn, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết hôm qua 28/2, nhiều Bộ, ngành đã họp nêu ra vấn đề "vừa qua nguồn cung lúa gạo tăng trong khi cầu không có biến động lớn".
Theo ông Hải đây là bản chất của cung và cầu, khi cung vượt quá cầu thì giá gạo "không được như mong đợi của người dân và cơ quan quản lý".
Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng đã đến một số địa phương như Đồng Tháp - nơi có lượng gạo bán lớn để đề xuất việc tạm trữ, thu mua gạo của bà con. Vì vậy, mấy ngày gần đây giá lúa gạo đã tăng lên đáng kể.
"Tuy nhiên, ngoài việc giải quyết trước mắt như vậy thì việc sản xuất phải gắn với đầu ra, giải cứu không phải là giải pháp lâu dài. Để làm được phải có sự chỉ đạo chung của Chính phủ, sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp và các Bộ ngành liên quan", ông Hải nói.
Thứ trưởng Nông nghiệp Phùng Đức Tiến nói thêm, sau khi Thủ tướng chỉ đạo mua dự trữ lúa gạo cùng với thông tin Trung Quốc nhập 100.000 tấn thì giá lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã có chuyển biến tích cực. Hiện giá lúa ổn định ở mức 4.500 đồng đến 4.600 đồng/kg.
-
15h10
Thông tin tiếp về chi phí tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Mai Tiến Dũng nói tinh thần là hạn chế thấp nhất sử dụng ngân sách nhà nước. "Chúng ta làm những gì tốt nhất cho hội nghị nhưng cũng cố gắng thu lại để bù đắp chi phí", ông cho hay.
Cụ thể, với trung tâm báo chí quốc tế đặt tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, ngoài 5 khu báo chí dùng chung, còn có 73 khu vực làm việc riêng cho 56 hãng nước ngoài thuê với giá 4.500 USD/khu, trong đó "trả cho VTV 1.500 USD và đơn vị tổ chức giữ lại 3.000 để bù đắp trang trải như mua bàn ghế, tivi, âm thanh, ánh sáng, đường truyền...".
Tuy vậy, báo chí quốc tế được phục vụ miễn phí ăn, uống, đường truyền internet; có phóng viên khen đồ ăn ngon như khách sạn cao cấp.
"Khi báo chí quốc tế chờ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Đồng Đăng (Lạng Sơn), thời tiết rất lạnh, xuống đến 12 độ, lãnh đạo Lạng Sơn đã bố trí cả rạp phòng mưa, đồ ăn thức uống nên phóng viên nước ngoài rất cảm động. Chúng ta đi ra nước ngoài thì không có chuyện như thế", ông Dũng nói.
-
15h08
FLC đề xuất xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Về việc xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trước sự ách tắc "trên trời dưới đất" của cảng hàng không này thì hạng mục trên được ưu tiên. Bộ đã công khai quy hoạch và hiện Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đề nghị được đầu tư nhà ga T3.
Từ 29/9/2018, ACV đã chuyển về Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nên việc này cần ý kiến của cơ quan chủ quản ACV.
Ngoài ACV, Bộ cũng nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC. "Chúng tôi mới nhận được đề nghị chứ FLC chưa có nghiên cứu cụ thể như ACV", ông Đông nói.
Thứ trưởng Giao thông khẳng định, do đây là dự án cấp bách nên Bộ sẽ tổng hợp các đề nghị, xem xét và đưa ra phương án để bàn thảo với Ủy ban trong thời gian sớm nhất.
Thời gian qua ACV đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga hành khách T3 và các công trình phụ trợ để khắc phục quá tải hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Doanh nghiệp này đề xuất xây dựng công trình trên với công suất thiết kế 20 triệu khách mỗi năm, tổng diện tích mặt sàn khoảng 100.000 m2. Nhà ga sẽ được trang bị nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại. Dự kiến, tổng kinh phí dự án hơn 11.430 tỷ đồng được ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp.
-
14h57
Chuyển hồ sơ sai phạm tại Gang thép Thái Nguyên sang cơ quan điều tra
Trả lời VnExpress liên quan tới kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng công ty gang thép Thái Nguyên (Tisco), ông Bùi Ngọc Lam - Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan chức năng đã công bố kết luận này.
Theo đó, thanh yêu cầu Tisco rà soát lại toàn bộ hợp đồng đã ký với tổng thầu là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) để khởi kiện theo quy định pháp luật; đồng thời chuyển kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được phê duyệt vào năm 2005, do Tisco làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (hơn 242 triệu USD).
Dự án gồm 2 gói thầu chính, trong đó gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là trên 224 tỷ đồng; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá hơn 160 triệu USD.
Cơ quan thanh tra xác định, chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác quặng, sản xuất thép, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho gần 5.000 cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, Tổng công ty thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương và các đơn vị, cá nhân liên quan đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm. Hội đồng quản trị TISCO đã quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng là không có cơ sở...
-
14h40
Trả lời báo chí về kinh phí Việt Nam bỏ ra để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và hiệu quả thu lại, ông Mai Tiến Dũng nói: "Khi Singapore tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên, báo chí đưa là họ đã bỏ ra 20 triệu USD và thu được 500 triệu USD. Còn với chúng ta, cái được cũng rất nhiều, có thể nhìn thấy ngay cũng như kết quả về lâu dài", ông Dũng nói.
Theo ông, "cái nhìn thấy được ngay" là việc Mỹ và Triều Tiên đều tin cậy chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị, qua đó chứng minh sự chủ động đóng góp cho hoà bình khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như giúp nâng cao vị thế đất nước.
"Việt Nam đã tổ chức tốt nhất có thể. Cả hai phái đoàn đều cảm nhận được một đất nước hoà bình, phát triển kinh tế. Thế giới biết đến nhiều hơn hình ảnh, văn hoá con người Việt Nam", ông Dũng nói.
Theo ông, việc tổ chức hội nghị không đơn giản, "nếu lịch trình sắp xếp không tốt, một phái đoàn có thể huỷ làm việc, tuy nhiên cả hai nhà lãnh đạo đều rất hài lòng với cách làm của Việt Nam. Chúng ta đã thể hiện được sự hiếu khách, trọng thị và tổ chức an toàn tuyệt đối hội nghị".
"Chúng ta chưa tổng hợp chi phí nhưng tôi nghĩ không nhiều. Văn phòng Chính phủ cũng huy động các doanh nghiệp cùng chung tay chuẩn bị với Chính phủ", Bộ trưởng cho hay.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo dẫn lời Thủ tướng cho rằng, "bình thường để được những hãng thông tin lớn đưa tin, chúng ta phải bỏ hàng triệu USD, nay có gần 250 hãng lớn trên thế giới đến đưa tin, đây là một thành công vô giá".
-
14h30
1,6 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 2
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Tổng cục Du lịch và các công ty lữ hành đã tích cực quảng bá hình ảnh Hà Nội là "thành phố vì hoà bình", ẩm thực truyền thống của thủ đô... và nhận được sự quan tâm của nhiều hãng truyền hình, thông tấn quốc tế.
Hơn 3,1 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019, riêng tháng 2 có gần 1,6 triệu lượt khách.
-
14h23
"Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra an toàn tuyệt đối"
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Việc Việt Nam được lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã thể hiện vị thế đất nước. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã tổ chức hội nghị an toàn tuyệt đối, tiếp đón nồng hậu lãnh đạo hai nước cũng như phóng viên quốc tế".
Theo ông Dũng, ngoài đảm bảo an ninh, Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc về "tính trách nhiệm cao" trong công tác tổ chức từ các cơ quan chức năng đến mỗi người dân.
Ông kể ở Lạng Sơn, nơi đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên đến, người dân tự nguyện tháo dỡ hàng quán, dọn dẹp vỉa hè mà không cần sự tham gia của chính quyền. Người dân ở Hà Nội cũng nồng nhiệt chào đón hội nghị thượng đỉnh. Trong lễ tân, ngoại giao đã sắp xếp chương trình "được lòng của cả 2 nhà lãnh đạo".