Tại cuộc họp báo chiều 1/3, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nhận được nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Về kinh phí tổ chức, ông cho hay "khi Singapore tổ chức thượng đỉnh lần đầu tiên, báo chí đưa là họ đã bỏ ra 20 triệu USD và thu được 500 triệu USD. Đó là báo chí đưa, chúng ta không biết số liệu cụ thể. Còn với Việt Nam, tuy chưa tổng hợp chi phí nhưng có thể nói là không nhiều và trong số đó có sự chung tay của một số doanh nghiệp".
Ông Dũng nhấn mạnh, "Việt Nam đạt được rất nhiều từ việc đăng cai hội nghị, có những điều nhìn thấy ngay và cũng có những việc cho lâu dài".
Theo ông, "cái được nhìn thấy ngay" là việc Mỹ và Triều Tiên đều tin cậy chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị, qua đó chứng minh sự chủ động đóng góp cho hoà bình khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như giúp nâng cao vị thế đất nước.
"Việt Nam đã tổ chức tốt nhất có thể. Cả hai phái đoàn đều cảm nhận được một đất nước hoà bình, phát triển kinh tế. Thế giới biết đến nhiều hơn hình ảnh, văn hoá con người Việt Nam", ông Dũng nói.
Ông cho hay việc tổ chức hội nghị không đơn giản, "nếu lịch trình sắp xếp không tốt, một phái đoàn có thể huỷ làm việc ngay, tuy nhiên cả hai nhà lãnh đạo đều rất hài lòng với cách làm của Việt Nam. Chúng ta đã thể hiện được sự hiếu khách, trọng thị và tổ chức an toàn tuyệt đối".
Trước sự quan tâm của báo giới về chủ đề trên, ông Dũng thông tin thêm, "tinh thần khi tổ chức hội nghị là hạn chế thấp nhất sử dụng ngân sách nhà nước. "Chúng ta làm những gì tốt nhất cho hội nghị nhưng cũng cố gắng thu lại để bù đắp chi phí", ông cho hay.
Cụ thể, với trung tâm báo chí quốc tế đặt tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, ngoài 5 khu báo chí dùng chung, còn có 73 khu vực làm việc riêng cho 56 hãng nước ngoài thuê với giá 4.500 USD/khu, trong đó "trả cho VTV 1.500 USD và đơn vị tổ chức giữ lại 3.000 để bù đắp trang trải như mua bàn ghế, tivi, âm thanh, ánh sáng, đường truyền...".
Tuy vậy, báo chí quốc tế được phục vụ miễn phí ăn, uống, đường truyền internet; có phóng viên khen đồ ăn ngon như khách sạn cao cấp.
"Khi báo chí quốc tế chờ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ở Đồng Đăng (Lạng Sơn), thời tiết rất lạnh, xuống đến 12 độ, lãnh đạo Lạng Sơn đã bố trí rạp phòng mưa, đồ ăn thức uống nên phóng viên nước ngoài rất cảm động. Chúng ta đi ra nước ngoài thì không có chuyện như thế. Trước khi đoàn tàu của ông Kim Jong-un đến, người dân Lạng Sơn tự nguyện tháo dỡ hàng quán, dọn dẹp vỉa hè mà không cần sự tham gia của chính quyền. Người dân ở Hà Nội cũng nồng nhiệt chào đón hội nghị thượng đỉnh. Trong lễ tân, ngoại giao đã sắp xếp chương trình được lòng của cả 2 nhà lãnh đạo", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày cho hay, "bình thường để được những hãng thông tấn lớn đưa tin, chúng ta phải bỏ ra hàng triệu USD, nay có gần 250 hãng lớn trên thế giới đến tác nghiệp hội nghị, đây là một thành công vô giá".
Về việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam, Thứ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Trịnh Thị Thuỷ nói, Bộ đã vào cuộc chủ động, phối hợp với Hà Nội và các đơn vị để hoàn thành công việc, đạt kết quả tốt.
Tại trung tâm báo chí quốc tế, Bộ Văn hóa có không gian giới thiệu hình ảnh đất nước; Tổng cục du lịch thực hiện tour phục vụ phóng viên quốc tế miễn phí.
"Đúng như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, Việt Nam được rất nhiều. Với ngành du lịch, chúng ta đã tạo dấu ấn về một điểm đến an toàn, thân thiện. Đây là thành quả mà có nhiều tiền cũng không làm được", bà Thủy nói.
Theo bà, với khoảng 3.000 phóng viên quốc tế có mặt tại Hà Nội trong những ngày này, tận mắt trải nghiệm văn hoá, ẩm thực Việt, họ sẽ là người quảng bá rất tốt qua báo chí và trang cá nhân trên mạng xã hội.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (từ 27-28/2) kết thúc sớm hơn dự kiến khi hai phái đoàn kéo dài giờ đàm phán. Tổng thống Mỹ sau đó tổ chức họp báo, cho biết nguyên nhân không đạt thỏa thuận do Triều Tiên muốn dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, nhưng Mỹ không thể đồng ý.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo đêm qua, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho khẳng định Bình Nhưỡng chỉ muốn Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, nhưng Mỹ không chấp nhận.
Hoàng Thùy - Hoài Thu - Viết Tuân
Xem diễn biến chính