Trong thời gian 24-26/10, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF - Mekong) sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Chủ đề của các hội nghị lần này là "Hướng đến một tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng: Nắm bắt cơ hội, Định hình tương lai". Đây được đánh giá là cơ hội để các lãnh đạo xem xét tình hình thực hiện các kế hoạch hành động, đồng thời thống nhất biện pháp hợp tác để tăng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế trong khối. Khu vực Tiểu vùng Mekong hiện gồm 5 nước - Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.
Khu vực này được đánh giá có lợi thế về nhân lực, vị trí địa lý và thị trường tiêu dùng. Tiểu vùng Mekong có khả năng trở thành trung tâm sản xuất - tiêu dùng của Đông Nam Á và là cầu nối trong khu vực châu Á. Năm ngoái, tăng trưởng bình quân khu vực này đạt 6,1% - cao hơn nhiều mức trung bình thế giới (2,5%). Đến nay, Tiểu vùng Mekong đã có nhiều cơ chế hợp tác nội khối, cũng như với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, EU.
Đánh giá về các hội nghị cấp cao này, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao - Phạm Bình Minh cho biết: "Hợp tác ACMECS và CLMV cũng là những cơ chế quan trọng để các nước Mekong phối hợp nỗ lực, củng cố lòng tin, đối thoại tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung như vấn đề nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... trên cơ sở hài hòa lợi ích của tất cả các bên".
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết 3 hội nghị trên là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016. Những sự kiện này sẽ giúp Việt Nam củng cố quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới.
Hà Thu