Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, cho biết như trên, sáng 12/3.
Hôm nay, Việt Nam bước sang ngày thứ 5 triển khai tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Khoảng 1.600 người, là nhân viên y tế, truy vết dịch tễ, xét nghiệm, ở 9 tỉnh thành, đã tiêm mũi một. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.
"Việt Nam vẫn triển khai tiêm như kế hoạch và tiếp tục theo dõi các phản ứng sau tiêm", ông Đức Anh nói với VnExpress.
Hiện tượng đông máu sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca được ghi nhận tại một số quốc gia ở châu Âu. Đến nay, 9 nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Iceland... thông báo tạm dừng hoặc cấm tiêm một lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca để điều tra các trường hợp bị đông máu sau tiêm.
Tuy nhiên, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ tiếp tục tiêm chủng vaccine AstraZeneca. EMA cho hay chỉ có 30 trường hợp bị đông máu trong số 5 triệu người đã tiêm ở châu Âu tới nay. Giới khoa học đang xem xét kỹ từng báo cáo tác dụng phụ vaccine Covid-19 Astra Zeneca.
Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tính đến sáng nay, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine trên 9 tỉnh thành gồm Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai và TP HCM, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Long An.
Ngày 11/3, thêm 630 người được tiêm trong ngày thứ 4 triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19. Như vậy, sau 4 ngày tổng cộng 1.585 người đã tiêm, là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng đến nay ghi nhận 6 trường hợp phản vệ độ 2, sức khỏe đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi. Một số trường hợp khác có phản ứng thông thường sau tiêm.
Trong cuộc họp với Bộ Y tế ngày 6/3, Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vaccine Covid-19 của AstraZeneca hiện được triển khai tiêm tại 25 quốc gia, tiêm bắp cho người từ 18 tuổi trở lên và không có độ tuổi giới hạn trên. Hiện vaccine này đã được triển khai ở 50 quốc gia.
Sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh...
Ngoài ra, khoảng một đến dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Giống như vaccine khác đã sử dụng nhiều năm, vaccine Covid-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Một số người có thể phản ứng chậm sau tiêm nhưng hiện nay chưa ghi nhận số liệu từ các tổ chức quốc tế về vấn đề này, cũng như các tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine, theo bà Hồng.
Theo kết quả báo cáo từ 4 thử nghiệm lâm sàng với gần 24.000 tình nguyện viên tiêm vaccine AstraZeneca tại Anh, Brazil và Nam Phi cho thấy, tỷ lệ bị đau tại vị trí tiêm chiếm 54-63%, 52-53% bị nhức đầu, mệt mỏi, 44% đau cơ, khó chịu, 33,6% có sốt nhẹ và sốt trên 38 độ chiếm 7,9%, 31,9% bị ớn lạnh, 26,4% đau khớp và 21,9% buồn nôn.
Tuy nhiên hầu hết các phản ứng đều hết sau vài ngày đầu. Tỉ lệ đến ngày thứ 7 vẫn có ít nhất một triệu chứng cục bộ hoặc toàn thân chỉ chiếm 4-13%. Sang mũi thứ hai, các phản ứng phụ thấp hơn nhiều. Chỉ có khoảng 0,7% được báo cáo có tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm mũi thứ nhất.
Tuy nhiên tỷ lệ này ở nhóm giả dược đối chứng cũng ở mức 0,8%. Như vậy, không có mối lo ngại nào về độ an toàn của vaccine.
Từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Covid-19, với 117.600 liều đầu tiên của hãng dược AstraZeneca. Vaccine được ưu tiên tiêm cho 11 nhóm người trên tuyến đầu chống dịch, nguy cơ cao mắc Covid-19. Trước khi tiêm, người được tiêm phải trải qua khám sàng lọc, khai báo tiền sử bệnh lý, ở lại điểm tiêm chủng để theo dõi sau tiêm 15-20 phút và tự theo dõi tiếp sau đó tại nhà.
Một liệu trình vaccine AstraZeneca gồm hai mũi, tiêm cách nhau 12 tuần.