Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho biết thế giới đã có thông lệ chứng nhận đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine phòng một số bệnh như tả, hạch, sốt vàng... Tuy nhiên, Covid-19 là loại bệnh mới, các vaccine cũng mới phát triển và triển khai tiêm, hiệu quả thực sự của nhiều loại vaccine còn cần thời gian để kiểm chứng, đánh giá.
"Các vaccine khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau, cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu, người mới tiêm vaccine cũng chưa có miễn dịch bảo vệ ngay", ông Phu cho biết. Hơn nữa, khi nCoV biến chủng, loại vaccine Covid-19 mà người đã tiêm có thể không còn tác dụng.
Đánh giá này được ông Phu đưa ra hôm nay, khi một số nước như Trung Quốc, Israel, bắt đầu cấp chứng nhận tiêm đủ vaccine Covid-19, hay còn được gọi là "hộ chiếu vaccine". Chứng nhận ở dạng kỹ thuật số hoặc giấy, nhằm tạo điều kiện cho công dân đi lại qua biên giới. Anh, Mỹ và EU cũng sắp cấp chứng nhận y tế liên quan Covid-19 để tạo điều kiện cho đi lại trong khối và với một số nước.
Điều đó đặt ra câu hỏi: tiếp nhận như thế nào những người có "hộ chiếu vaccine" muốn nhập cảnh, nhất là với những nước mong muốn mở cửa sớm để tái sinh kinh tế.
Theo ông Phu, Việt Nam chưa có quy định về hộ chiếu vaccine. Do đó, những người từ nước ngoài về Việt Nam vẫn phải cách ly 14 ngày theo quy định.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết không có loại vaccine nào giúp đảm bảo một người không còn nguy cơ lây nhiễm. Hiệu quả miễn dịch chỉ xuất hiện khi có rất nhiều người cùng tiêm vaccine và Việt Nam hiện mới có rất ít người tiêm vaccine, chưa có miễn dịch cộng đồng trong nước. Do đó, người có tấm hộ chiếu vaccine và công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vẫn nên được theo dõi, cách ly 14 ngày.
Một chuyên gia giấu tên tại Bộ Y tế chia sẻ đồng quan điểm. Ông cho biết thêm các nghiên cứu trên thế giới mới chỉ cho thấy vaccine Covid-19 giúp giảm triệu chứng, chưa chứng minh có giúp giảm nguy cơ lây nhiễm hay không. Ví dụ, vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer được nghiên cứu giảm triệu chứng rõ nhưng chưa có báo cáo bài bản về mức độ giảm nguy cơ lây nhiễm.
"Các loại vaccine Covid-19 đều đang được sản xuất khẩn cấp, do đó, những người tiêm vaccine vẫn cần được theo dõi sát các nguy cơ", ông nói.
Hôm qua, một bác sĩ gốc Việt, nhập cảnh về sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19 tại Mỹ. Ông Calvin Q Trịnh nói tiêm mũi cuối cách đây hơn một tháng. Ông về nước theo chuyến bay giải cứu của Chính phủ Việt Nam cùng khoảng 300 người, và đang cách ly 14 ngày tại một khách sạn ở quận 3.
"Tôi không bất ngờ lắm vì Việt Nam vẫn đề cao sức khoẻ người dân lên hàng đầu, cho nên có thể chậm triển khai "hộ chiếu vaccine" hơn các nước khác", Calvin Trịnh nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi thận trọng với các hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách không coi bằng chứng tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế. Theo người phát ngôn của WHO, lý do là hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa sự lây truyền chưa rõ ràng; nguồn cung cấp vaccine toàn cầu còn hạn chế.
Sự thành công của hộ chiếu y tế kỹ thuật số phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định vaccine có thể ngăn sự lây lan của Covid-19, theo WHO.
Chi Lê - Thúy Quỳnh