Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Thiết kế vi mạch (ICDREC) đã phân tích và thử nghiệm lõi IP nén ảnh JPEG2000 đầu tiên của Việt Nam trong 2 năm. Đây là nền tảng để làm chủ công nghệ nén ảnh JPEG2000 vốn rất thông dụng và cần thiết trên thiết giới. Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, đánh giá cao dự án này. PGS. TS. Nguyễn Thanh Nam, Trưởng ban Khoa học Công nghệ (Đại học Quốc gia TP HCM) kỳ vọng lõi IP nén ảnh JPEG2000 sẽ được thương mại hóa thành công.
Lõi IP nén ảnh do ICDREC thiết kế cho phép nén ảnh tĩnh có độ phân giải đến 16 triệu điểm ảnh và 16-bit độ xám với chế độ nén tổn hao và không tổn hao trên cùng hệ thống. Đơn vị thiết kế cũng sử dụng kỹ thuật Rate Control để nén ảnh với chất lượng và tỷ lệ như mong muốn của người dùng. Trong một số trường hợp đặc biệt, lõi IP nén ảnh của ICDREC cho phép người dùng sử dụng tính năng ROI để khoanh vùng các khu vực cần nén để đạt chất lượng tốt nhất.
Ngoài ra, lõi IP này có thể nén ảnh động với độ phân giải HD đạt tốc độ 24 frame/giây. Từ lõi IP nén ảnh JPEG2000, các kỹ sư của ICDREC sẽ thiết kế các chip xử lý hình ảnh, ứng dụng trong các sản phẩm hoặc trong các lĩnh vực đòi hỏi hình ảnh có độ phân giải lớn, mức xám cao trong y khoa, trắc địa, truyền thông, viễn thám, phim ảnh kỹ thuật số như máy CT, camera quan sát…
JPEG2000 hiện là chuẩn nén ảnh quan trọng của thế giới cùng với các chuẩn như GIF, BMP, PNG... Trên thế giới hiện có 6 nhà cung cấp lõi IP JPEG2000 như IntoPix, Barco Silex, Cast… và ICDREC là đơn vị thứ 7 trong lĩnh vực này.
Chuẩn JPEG2000 là một tiêu chuẩn hình ảnh xuất hiện trên thế giới vào năm 2000 do hiệp hội Join Photographuc Experts Group nghiên cứu, thay thế cho JPEG tiêu chuẩn. Mục đích của JPEG2000 không chỉ cải thiện hiệu suất nén mà còn nâng cao khả năng xử lý hình ảnh khi phục hồi ảnh gốc.
Việc nén ảnh sẽ giảm dung lượng dữ liệu lưu trữ cũng như giảm băng thông, tiết kiệm chi phí trong lưu trữ và truyền dẫn dữ liệu trong khi vẫn duy trì chất lượng hình ảnh ở mức chấp nhận được.
Duy Trần