Ngày 7/4, tại cuộc họp với các sở ngành liên quan đến vấn đề an toàn và mức độ nguy hiểm của thiết bị có chứa nguồn phóng xạ, ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM - cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ, trong đó 124 thiết bị phóng xạ di động (thường xuyên di chuyển trong quá trình sử dụng).
"Lâu nay cơ quan nhà nước chỉ biết là đơn vị nào có, số lượng bao nhiêu, đặc tính từng thiết bị ra sao. Còn việc kiểm soát chúng hầu như do từng đơn vị sở hữu tự đảm trách. Khi xảy ra tình huống mất cắp, thất lạc rất khó kiểm soát. Thực trạng này gây nguy cơ thiếu an toàn về quản lý thiết bị phóng xa", ông Thanh nhận định.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ, sau việc thiết bị chứa nguồn phóng xạ của công ty TNHH Apave Châu Á – Thái Bình Dương chi nhánh TP HCM bị mất, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC, thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) khảo sát và lắp đặt định vị vào thiết bị chứa nguồn phóng xạ. Nhưng đến cuộc họp đột xuất hôm nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của thành phố.
"Về kỹ thuật và phần mềm đã chuẩn bị xong nhưng để triển khai thì thành phố phải duyệt đề tài nghiên cứu", ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc trung tâm ICDREC - cho biết.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà nói rằng, khi sự việc xảy ra thì sôi động, sau đó im lặng rồi "chìm xuồng". "Không thể chậm trễ được nữa, đây là dự án chứ không còn là đề tài. Và đây là thời điểm dự án phải triển khai thực tế, cần khảo sát và gắn thiết bị định vị luôn, không chần chừ. Cứ loay hoay với các thủ tục thì bao giờ mới xong", ông Hà tỏ ra sốt ruột và yêu cầu phải ưu tiên gắn thiết bị định vị đối với các nguồn phóng xạ di động trước.
Theo phó chủ tịch thành phố, nếu kinh phí khó khăn hay vướng mắc phải báo cáo ngay để giải quyết. "Để thiết bị lang thang ngoài đường là còn hơn quả bom. Mất thiết bị phóng xạ nữa là thôi rồi. Điều này sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người dân, tiền nào lo cho đủ. Sở phải khẩn trương triển khai công việc ngay trong ngày mai", ông Hà chỉ đạo.
Trước đó, ngày 18/9/2014, công ty TNHH Apave Châu Á – Thái Bình Dương chi nhánh TP HCM bị trộm thiết bị chụp ảnh NDT có chức năng chụp ảnh xuyên thấu (NTD) chứa nhiều chất phóng xạ. Trong đó, nguy hiểm nhất là chất Iridium 192, có thể khiến người nhiễm bị bỏng, nhiễm độc phóng xạ và chết. Thành phố đã tung lực lượng truy tìm và thu hồi được thiết bị trong phòng trọ của nghi can trộm cắp.
Mới đây, khoảng giữa tháng 3, một nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) của nhà máy Pomina 3 (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị thất lạc.
Đây là nguồn phóng xạ sử dụng để đo mực thép lỏng trên dây chuyền sản xuất phôi thép. Nguồn phóng xạ có hoạt độ hiện tại khoảng 2,33mCi. Ở khoảng cách 10 cm nguồn phóng xạ có thể gây ra suất liều chiếu xạ là 2,5mSv/h, trong khi mức cho phép đối với người bình thường trong một năm chỉ là 1mSv. Vì vậy nó có thể gây ra tác hại cho sức khỏe con người khi tiếp xúc trực tiếp.
Lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học) khẩn cấp tìm kiếm nguồn phóng xạ này.
Trung Sơn