Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia phân tích chính sách ngoại giao của Việt Nam năm nay và dự báo diễn biến tình hình năm tới.
- Ông đánh giá thế nào về các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam năm 2014?
- Trong năm qua, quan hệ Việt Nam với Nhật Bản được nâng cấp lên đối tác toàn diện sâu rộng, Nhật đề nghị hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật. Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở ra cơ hội mua bán một số thiết bị quốc phòng, hỗ trợ Hà Nội nâng cao năng lực an ninh biển. Có thể Washington sẽ bán radar, tàu tuần duyên và máy bay tuần tra trên biển cho Việt Nam. Ấn Độ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang và phát triển hơn nữa mối hợp tác về khai thác dầu khí.
Ba mối hợp tác này sẽ cùng dẫn tới việc xây dựng năng lực cho Việt Nam, nhằm đẩy mạnh việc bảo đảm an ninh hàng hải, mà không khiến Việt Nam phải ngả về hoặc trở thành đồng minh của bất cứ nước nào trong số này.
- Các mối hợp tác trên tác động thế nào đến tình hình khu vực?
- Các liên kết mới trên có tác động rõ rệt tới Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu rằng nếu họ không rút giàn khoan Hải Dương 981 và chấm dứt căng thẳng với Hà Nội, thì các đối thủ chiến lược của Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam. Vì thế Bắc Kinh dời giàn khoan đi nhằm tái khởi động quan hệ với Việt Nam. Hà Nội đã chứng minh được rằng tiếp cận đa phương trong quan hệ đối ngoại là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền.
Từ năm 1991 Việt Nam đã theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương hóa và đa dạng hóa. Với phương châm đa phương, Việt Nam ban đầu phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc những năm đầu thập niên 2000. Năm 2013 Việt Nam và Mỹ nhất trí xác lập quan hệ đối tác toàn diện.
Cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 trong hơn hai tháng đã đặt cách tiếp cận đa phương hóa của Việt Nam vào cuộc thử nghiệm. Và Việt Nam đã thành công vì cả Mỹ, Nhật và Ấn Độ đều bày tỏ ủng hộ chính trị và ngoại giao.
- Theo ông, thời gian tới Trung Quốc sẽ làm gì tại Biển Đông?
- Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến lược "đường ray kép". Thứ nhất là giữ cho các nước ASEAN và các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông sa lầy vào những cuộc thảo luận vô tận về việc làm sao thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC) và kéo dài tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử (COC). Thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục "chia cắt và chế ngự ASEAN, bằng cách gia tăng những khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN, đồng thời dần dần củng cố sự hiện diện của mình ở quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng như bến tàu, các nhà kho và đường băng. Họ sẽ điều các tàu lớn, đến 30.000 tấn, đến hộ tống các biên đội tàu cá. Một tàu như thế có thể phục vụ hàng trăm tàu ngư dân. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xây các ụ nổi khổng lồ có thể di chuyển đến những thực thể mà họ tuyên bố chủ quyền để đưa điện, nước sạch và các điều kiện sống thiết yếu, rồi đưa dân đến ở.
Năm sau, Trung Quốc có thể đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng nước sâu để thăm dò dầu và khí. Giàn khoan Hải Dương 982 có thể được triển khai năm 2016. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục tăng cường quy mô và vũ trang cho các tàu dân sự thực thi pháp luật trên biển, như là hải cảnh. Hải quân nước này cũng có thể tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận lớn ở Biển Đông để răn đe các nước ASEAN.
- Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào khi các nước có liên quan ở Biển Đông hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn?
- Việc các nước trong khu vực hợp tác quốc phòng với các cường quốc bên ngoài sẽ không can ngăn được Bắc Kinh trong việc hiện thực hóa tham vọng ở Biển Đông. Vì sao ư? Vì họ sử dụng lực lượng dân sự để tiến hành các biện pháp gây hấn mà không cần viện đến lực lượng vũ trang. Hiện không có liên minh nào trên biển có đủ tàu hải cảnh dân sự để ganh đua với Trung Quốc.
- Trở lại với ngoại giao Việt Nam, theo ông yếu tố nào là rất đáng chú ý trong năm tới?
- Việt Nam và Mỹ sẽ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau. Đây không phải chỉ là một dịp nghi thức. Mối quan tâm chung của hai nước đang tăng lên. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức cấp cao Mỹ quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực của quan hệ đối tác toàn diện.
Việt Nam và Mỹ có thể mở ra một chương mới trong quan hệ trong năm sau nếu ông Obama có thể thực hiện lời hứa với Chủ tịch Trương Tấn Sang đến thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ hai. Năm 2015 cũng là dịp để bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới Hà Nội.
Việt Anh (thực hiện)