Thông tin được TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom), Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15, khai mạc sáng ngày 9/8 tại TP Nha Trang.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong đó ngành năng lượng tập trung vào việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế.
Liên quan đến phát triển nhân lực ngành năng lượng hạt nhân, TS Thành cho biết một nhiệm vụ quan trọng được Vinatom tập trung thời gian qua là triển khai Dự án CNST. "Việc tăng cường nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự án này", ông nói.
Hiện nay việc thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và hồ sơ phê duyệt địa điểm (DSA) đang được đàm phán với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM). Dự kiến hợp đồng sẽ được ký kết trong vài tháng tới.
Dự án có thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt, dự kiến đặt tại Đồng Nai, tập trung vào các lĩnh vực khoa học vật liệu chiếu xạ, khoa học sinh học, đồng vị phóng xạ, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ...
Hiện Việt Nam có lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (DNRR) vận hành được gần 40 năm. Theo TS Nguyễn Kiên Cường, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, DNRR được cấp giấy phép hoạt động đến năm 2032. Lò này có chức năng chính là sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt neutron, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, giáo dục và đào tạo hạt nhân.
TS In Cheol Lim, Phó Chủ tịch Điều hành Viện nghiên cứu năng lượng và nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), đánh giá cao những nỗ lực nhất quán của Việt Nam nhằm nâng cao vai trò của công nghệ hạt nhân để đạt được sự phát triển bền vững và giải quyết vấn đề năng lượng. Ông chia sẻ, KAERI hiện tạo ra một bước nhảy vọt mới bằng cách đưa ra tầm nhìn trở thành một trung tâm công nghệ hạt nhân vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc được tổ chức hai năm một lần nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Hội nghị lần này bao gồm một ngày báo cáo tại Phiên toàn thể và hơn một ngày dành cho 7 tiểu ban chuyên môn sẽ cùng báo cáo song song. Trong đó tiểu ban A trung vào lĩnh vực công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn phản ứng, nhà máy điện hạt nhân. Tiểu ban B tập trung chủ đề: Vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan. Tiểu ban C là vấn đề ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia. Tiểu ban D là các ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội (y tế, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp và môi trường). Tiểu ban E là hóa phóng xạ và ứng dụng của hóa phóng xạ trong đời sống, công nghệ xử lý quặng và quản lý chất thải phóng xạ.
Hội nghị có khoảng 70 tổ chức trong và ngoài nước tham gia với gần 450 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học.
Bích Thảo