Thông tin được TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia, cho biết tại Hội thảo khu vực về ngoại kiểm Xpert TB, ngày 11-12/9, tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong chương trình triển khai đào tạo nhằm nâng cao năng lực đảm bảo chất lượng xét nghiệm lao cho nhân lực thực hiện xét nghiệm lao tại Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao. Gần 4.000 bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc, cao hơn ba năm trước đó. Số người mắc bệnh lao tử vong ở các năm thường cao gấp đôi so với người chết vì tai nạn giao thông.
"Số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị chỉ chiếm khoảng 60% tổng số ca lao ước tính. Như vậy, Việt Nam vẫn tồn tại một khoảng trống lớn trong chẩn đoán phát hiện các ca lao trong cộng đồng", TS Lượng nói, thêm rằng Chương trình chống lao quốc gia đang tập trung nguồn lực để mở rộng tiếp cận các xét nghiệm phân tử nhanh chẩn đoán lao.
Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng Việt Nam đã áp dụng các khuyến nghị của WHO về các công cụ sàng lọc và chẩn đoán lao tiên tiến. Xét nghiệm Xpert MTB/RIF là xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán lao và lao đa kháng được WHO khuyến cáo từ tháng 12/2010. Đến nay trên thế giới đã có khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện xét nghiệm này.
Tại Việt Nam, xét nghiệm này đã được Chương trình Chống lao Quốc gia triển khai từ năm 2011 tại Labo lao chuẩn quốc gia, đến nay đã và đang lắp đặt đưa vào sử dụng, quản lý 332 máy GeneXpert tại 182 điểm máy triển khai trên toàn quốc. Số lượng xét nghiệm toàn quốc tăng dần theo từng năm. Năm 2023 đã thực hiện 452.279 xét nghiệm trên cả nước, tăng hơn 113% so với năm 2022.
Để nâng cao tỷ lệ phát hiện ca lao trong thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam đang tập trung nguồn lực để mở rộng tiếp cận các xét nghiệm phân tử nhanh chẩn đoán lao do WHO khuyến cáo. Chương trình cũng chú trọng đến đảm bảo chất lượng xét nghiệm như là yếu tố then chốt trong việc phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao và theo dõi điều trị hiệu quả.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2035 chấm dứt bệnh lao. Hiện, Việt Nam là một trong 7 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine lao M72, loại vaccine hứa hẹn sẽ "triệt tiêu" bệnh lao toàn cầu.
Lê Nga