Phát biểu tại sự kiện "Chia sẻ câu chuyện Chuyển đổi số" diễn ra tại TP HCM ngày 6/4, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khẳng định: "Chuyển đổi số cho phép lãnh đạo sáng suốt hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến tồn vong của doanh nghiệp".
Mấu chốt của chuyển đổi số là doanh nghiệp có thể vận hành theo thời gian thực hay không. Ông Bình lấy ví dụ FPT có mặt tại 26 quốc gia, nhưng bất kỳ đâu ở Việt Nam, chỉ với một ứng dụng trên smartphone, lãnh đạo công ty vẫn có thể kiểm tra mọi thông tin về lợi, doanh thu, chi phí vận hành, so sánh tăng trưởng với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán các tháng tiếp theo của từng văn phòng. Đó là vận hành doanh nghiệp theo thời gian thực. Nhờ chuyển đổi số trong các quy trình, năm 2020, FPT tối ưu gần 170 tỷ đồng chi phí vận hành.
Lãnh đạo FPT cho rằng, thực trạng của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là tách rời hệ thống công nghệ thông tin với hệ thống quản trị. Khi nào cả hai điều này kết hợp với nhau, chuyển đổi số của doanh nghiệp mới thật sự có hiệu quả.
Ông Trương Gia Bình ví chuyển đổi số như một cuộc cách mạng. "Sẽ không có cách mạng nếu không có người muốn làm cách mạng. Việc đầu tiên của doanh nghiệp muốn làm chuyển đổi số là phải thay đổi tư duy của người lãnh đạo đến từng nhân viên trong tổ chức", ông Trương Gia Bình nói.
Đồng ý với chủ tịch FPT, ông Cô Gia Thọ, chủ tịch Thiên Long chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số của tập đoàn: "Trước khi chuyển đổi số, các lãnh đạo đều đắn đo rất nhiều. Nhưng khi Covid-19 ập đến, các doanh nghiệp hầu như không có lựa chọn nào khác. Nếu không chuyển đổi số nhanh, doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại rất xa".
Chủ tịch câu lạc bộ Thương hiệu Việt, lãnh đạo của TTC Group, ông Đặng Văn Thành cho rằng: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bàn không số, điện thoại không dây, xe không người lái. Chu kỳ kinh tế đang tái cấu trúc trên phạm vi toàn cầu, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu bắt kịp làn sóng chuyển đổi số, Việt Nam có cơ hội xuất phát cùng thế giới, nếu không chúng ta phải chấp nhận bị đào thải".
Công nghệ đang giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và phát triển nhanh hơn. Thay vì ra quyết định dựa trên cảm tính và kinh nghiệm cá nhân như trước đây, AI, Big Data đã có thể phân tích dữ liệu theo thời gian thực, đưa ra các chỉ số, dự báo, giúp giảm lượng hàng tồn kho, cân bằng được cung cầu trên thị trường.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc của Kido Group, đặt vấn đề tại sao trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng những công ty như Alibaba, Amazon vẫn tăng trưởng mạnh? "Đó là vì doanh nghiệp đã sớm vận hành trên nền tảng số. Họ có dữ liệu, con số phản ánh kịp thời nhu cầu của thị trường và cắt giảm được bộ máy nhân sự cồng kềnh", lãnh đạo Kido Group nói.
Cuối cùng, điều đặc biệt nhất của chuyển đổi số là mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải tự đi trên một con đường riêng. "Không giống trong quá khứ, một doanh nghiệp đi nhanh có thể chuyển đổi trong 5 tháng, doanh nghiệp chậm - đi 7 tháng cũng đến đích. Nhưng với chuyển đổi số, nếu không thể chuyển đổi hoặc lỡ nhịp ở bất kỳ giai đoạn nào, doanh nghiệp cũng bị bỏ lại, không có cơ hội theo kịp đối thủ. Đó là mặt trái khốc liệt của chuyển đổi số", ông Bình lưu ý.
Theo nhận định của IDC, đầu tư vào chuyển đổi số trực tiếp vẫn đang không ngừng tăng trong giai đoạn 2020 - 2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.
IDC dự báo, tới năm 2022, 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa. Cuối năm 2022, 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp.
Khương Nha