Tại hội nghị tổng kết Bộ Thông tin & Truyền thông diễn ra chiều 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc cải thiện thứ hạng công nghệ thông tin, viễn thông, chính phủ điện tử trên trường quốc tế, bởi đây là một trong ba lĩnh vực lối ra của Việt Nam, bên cạnh nông nghiệp và dịch vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, trong 10 năm qua, xếp hạng của viễn thông công nghệ thông tin Việt Nam đã tụt dần xuống xếp thứ trên 100, tức là đứng dưới mức trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, theo ông, phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30-50. Vì vậy, lãnh đạo Bộ yêu cầu toàn ngành phải bám vào các chỉ tiêu quốc tế để phấn đấu nâng cao thứ hạng của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạnh số thì đầu tiên phải là phổ cập smartphone. Cấp phép tần số 4G, thử nghiệm 5G là để tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động.
"Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới. Chúng ta sẽ không chậm chân 8 năm, 10 năm như là đối với 3G và 4G nữa. Thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 phải về thứ hạng 30 đến 50", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo ngành, phát triển viễn thông phải đảm bảo yếu tố bền vững, khi thị trường điện thoại đã bão hoà thì phải chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thay vì vẫn tiếp tục cạnh tranh đến mức thiếu lành mạnh trên thị trường cũ, dẫn đến vấn nạn SIM rác. Bộ này sẽ làm rất nghiêm việc quản lý cạnh tranh và SIM rác.
Bộ trưởng cũng cho biết việc triển khai thí điểm "mobile money", cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các lĩnh vực chuyển đổi số, chính phủ điện tử, thành phố thông minh sẽ là những câu chuyện lớn của năm 2019.
Cho biết nếu so sánh trong khu vực ASEAN thì Việt Nam đang đi chậm nhất về kinh tế số, Bộ trưởng cho rằng muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi nhanh hơn.
"Chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số sẽ là câu chuyện bao trùm trong nhiều thập kỷ tới. Cần xây dựng chiến lược, đề án trong năm 2019, làm rõ kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 trong từng lĩnh vực thì phải làm gì", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng cho rằng, sự thịnh vượng của đất nước phụ thuộc vào Internet, nhưng Internet lại không an toàn. "Năm 2019 sẽ không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin. Việt Nam phải trở thành trung tâm về an ninh mạng của ASEAN", Bộ trưởng nói.
Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, ông Hùng nhấn mạnh Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Theo ông, thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm: Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ.
"Việt Nam hiện sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. Điều này phải làm được trong năm 2019 - 2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Made in Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong mảng công nghiệp nội dung số, năm 2019, Bộ Thông tin & Truyền thông đặt mục tiêu phải chiếm 20-30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng của nội dung số còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỷ USD.
"Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này. Các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược; tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung; hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nguyễn Hà