Người dân đang xem mẫu tiền nhựa |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy trong buổi công bố chiều nay không tiết lộ cụ thể lượng tiền mới sẽ phát hành. Tuy nhiên, ông cho biết, đã thuê một công ty nước ngoài in 20 triệu tờ 50.000 đồng bằng giấy polymer để đào tạo, giúp công nhân Việt Nam làm quen với kỹ thuật in tiền mới. Sau đó, việc in tiền sẽ hoàn toàn do Việt Nam đảm nhận, kể cả với tờ 500.000 đồng. Riêng tiền xu, trong thời gian đầu sẽ thuê đúc ở bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến kế hoạch xây dựng một xưởng đúc tiền riêng. "Chúng tôi cam kết lượng tiền in sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong dịp Tết. Và xin lưu ý, tất cả những tiền giấy có mệnh giá tương đương vẫn có giá trị lưu hành song song", ông nói thêm.
Click vào ảnh để biết thêm các chi tiết kỹ thuật của đồng tiền. |
Giấy nền polymer cho phép ứng dụng nhiều kỹ thuật chống giả trong đồng tiền. Bên cạnh những yếu tố bảo an được ứng dụng tương tự như trong tiền đồng in trên giấy cotton (như hình bóng chìm, hình định vị, chữ siêu nhỏ, dây bảo hiểm, yếu tố phát quang), giấy nền polymer còn có yếu tố bảo an đặc trưng như có cửa sổ trong suốt với hình ẩn hoặc dập nổi, giúp chống giả bằng các thiết bị photocopy, scan hay máy in lase. Việc in tiền trên chất liệu polymer cũng tính tới khả năng phân biệt tiền giả cho người khiếm thị. Giấy nền polymer có độ bền cơ học cao (khó dùng tay xé rách tờ bạc). Đồng thời, nó có cấu tạo sợi, trên bề mặt lại được phủ véc-ni nên tiền polymer không hút ẩm, giữ ẩm hay các chất bẩn khác. Vì vậy, nó sạch hơn tiền giấy và thích ứng tốt với môi trường khí hậu của Việt Nam. Giấy nền polymer có khả năng thích ứng với các thiết bị xử lý tiền như máy ATM, máy đếm tiền, tuyển chọn tiền…Hai loại 50.000 đồng và 500.000 đồng có kích thước lần lượt là 140x65mm và 152x65mm.
Về tiền xu, đường kính của 3 loại mệnh giá 200, 1.000 và 5.000 đồng lần lượt là 20 mm, 19 mm và 25,5 mm. Nếu như loại 200 đồng có màu trắng bạc với vật liệu thép mạ niken thì loại 1.000 đồng có màu vàng đồng thau (do vật liệu là thép mạ đồng vàng). Riêng loại 5.000 đồng được đúc bằng hợp kim đồng, bạc, niken (CuAl6Ni92) nên có màu vàng ánh đỏ. Theo ông Trần Tiến, Trưởng phòng Thiết kế mẫu (Cục Phát hành Kho quỹ), vành của mỗi đồng tiền cũng được làm khác biệt để chống giả. Đồng tiền 200 có vành trơn, 1.000 đồng có vành khía ngắt quãng còn vành của đồng 5.000 có khía vỏ sò.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành lần này nhằm bổ sung cơ cấu mệnh giá đồng tiền trong lưu thông; đồng thời nâng cao chất lượng và khả năng chống tiền giả. "Kế hoạch này cũng không làm thay đổi đơn vị tiền tệ, không dẫn tới trượt giá và không thay thế các đồng tiền hợp pháp đang lưu hành", ông khẳng định.
Ông Thúy cho biết thêm, sau khi kết thúc việc phát hành ngân phiếu (tháng 4/2002), nhu cầu về các đồng tiền có mệnh giá lớn trong lưu thông đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu để hợp lý hoá cơ cấu đồng tiền. Hơn nữa, mệnh giá tiền đồng Việt Nam hiện quá thấp, cao nhất là tờ 100.000 đồng, chỉ tương đương 7 USD hoặc 6 EUR.
Click vào ảnh để biết thêm các chi tiết kỹ thuật của đồng tiền. |
Trao đổi với báo chí về nguy cơ phá giá do phát hành thêm tiền, ông Lê Đức Thúy khẳng định, điều này sẽ không xảy ra bởi giá trị của VND hiện khá ổn định, lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp. Tính đến tháng 11, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam mới ở mức 2,2% so với cuối tháng 12 năm ngoái và dự tính cả năm nay chỉ khoảng 3%. Trong khi đó, chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch năm nay thì lạm phát không quá 5% GDP. "Vì vậy, không thể nói là vì lạm phát cao mà phải đưa ra thêm tiền để phá giá", ông nói.
Trên thực tế, mệnh giá nhỏ gây thêm chi phí in ấn và lưu hành mỗi khi muốn đưa thêm tiền vào nền kinh tế. "Trước đây, ngân phiếu thanh toán đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán song giá trị lưu hành ngắn và chi phí phát hành cao. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch in tiền mệnh giá cao để thay thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vào lưu thông những mệnh giá khác để đảm bảo tiền đồng Việt Nam không đứng bên lề xã hội hiện đại", ông nói.Chi phí in ấn tiền bằng polymer và đúc tiền xu cao hơn so với chất liệu giấy thông thường, song theo ông Thúy, do tuổi thọ cao hơn nên cho phép tiết giảm tổng chi phí lưu thông loại tiền này. Riêng tiền kim loại, sẽ góp phần tự động hoá, giảm bớt chi phí lao động trong tương lai. Xu thế chung trên thế giới là có thể dùng tiền xu để mua vé xe buýt, gọi điện thoại công cộng, chi trả tiền nước giải khát nơi công cộng.
Phát hành tiền trên chất liệu mới cũng giúp nâng cao chất lượng và khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam. "Làm giả tiền đang là vấn nạn chung của mọi nước. Chính Quốc hội đã nhiều lần chất vấn về việc này. Lúc đó, tôi chỉ có thể báo cáo là đang có phương án để cố gắng đưa ra những đồng tiền khó làm giả hơn. Chúng tôi đã thực hiện lời hứa của mình", thống đốc ngân hàng nói thêm.
Lần gần đây nhất Việt Nam phát hành tiền mới là vào năm 2000, với tờ mệnh giá 100.000 đồng. Tiền xu không còn giá trị thanh toán kể từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó, lạm phát ở mức 3 con số khiến những đồng tiền xu mệnh giá quá nhỏ đã không còn giá trị.
Song Linh