Bộ trưởng Long, tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế Quốc gia sáng 30/12, cho biết năm 2020 phải chống dịch Covid-19, song ngành y tế vẫn nỗ lực chuyển đổi số, là đơn vị đầu tiên hoàn thành và về đích trước hạn Chính phủ giao.
"Mục đích của chuyển đổi số là hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận tất cả dịch vụ tiện ích, thuận lợi, chất lượng hơn", ông Long nói.
Trong lĩnh vực hành chính, 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và chữ ký điện tử. Bộ cũng vận hành ứng dụng theo dõi tiến độ, chất lượng xử lý văn bản, các điểm khúc mắc trong xử lý văn bản, hoạt động cổng công khai toàn bộ dịch vụ y tế... Ngành y tế sẽ cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Trong phòng chống Covid-19, công nghệ thông tin đã góp phần lớn giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế điện tử, phần mềm, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn Covid-19, giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch bệnh... 45 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, Việt Nam đã khai trương 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Hiện trên 1.500 cơ sở y tế đã tham gia mạng lưới, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên mà không phải di chuyển nhiều.
"Có bệnh viện tuyến dưới chưa từng mổ sọ não, muốn mổ phải di chuyển bệnh nhân 6 tiếng, bệnh nhân có thể tử vong. Nhờ khám chữa bệnh từ xa, được hướng dẫn mổ từ xa, bệnh nhân được mổ ngay tại tuyến dưới, sau hai tuần rất khỏe mạnh", ông Long dẫn chứng.
Trong mục tiêu chuyển đổi số y tế đến 2025, 100% cơ sở y tế sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa, bao gồm cả y tế tư nhân.
Lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho người dân cũng là một mục tiêu chuyển đổi số y tế. Trước đây nhiều tỉnh có phần mềm quản lý sức khỏe điện tử nhưng là "hồ sơ chết" vì không được bổ sung, cập nhật, không được cơ quan y tế sử dụng. Để khắc phục, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập gần 98 triệu hồ sơ sức khỏe với 42 chuyên khoa điều trị ngoại trú. Từ tháng 7/2021, tất cả trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú sẽ phải có hồ sơ sức khỏe cá nhân, bỏ hoàn toàn giấy, nếu không có sẽ không được thanh toán Bảo hiểm y tế.
Ông Long cho biết, Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng nền y tế thông minh, từ đó mong muốn chuyển đổi số y tế, đẩy nhanh bệnh viện không giấy, bệnh án điện tử ngoại trú. Ngoài đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, điều trị không dùng giấy, thanh toán không dùng tiền mặt, ngành y tế đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong chẩn đoán, điều trị Covid-19, sử dụng robot trong phẫu thuật. Tháng 3/2021, Bộ Y tế sẽ ứng dụng AI trong quản lý, cấp phép dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm...
Hôm nay, Bộ Y tế cũng chính thức khai trương Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và Mạng lưới y tế Việt Nam.
Mạng lưới y tế Việt Nam giống như mạng xã hội kết nối tất cả bác sĩ trên cả nước. Bộ Y tế yêu cầu mỗi bác sĩ tuyến trên phải kết bạn, hướng dẫn 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã.
"Khi bệnh nhân đến trạm y tế xã khám nhưng được bảo trợ bởi một giáo sư tuyến trên, bệnh nhân yên tâm và bác sĩ tuyến dưới tự tin hơn trong khám chữa bệnh", ông Long nói.
Ứng dụng V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho gần 12.000 trạm y tế trên khắp cả nước. Trước đây, mỗi trạm y tế tốn 50-70% thời gian trong ngày để viết, báo cáo dữ liệu giấy, có nơi quản lý 78 cuốn sổ, nơi ít là 35 cuốn. Giờ sẽ sử dụng duy nhất một phần mềm, bỏ hết sổ sách, giấy tờ ở tuyến xã. Từ tháng 1/2021 sẽ bắt đầu áp dụng trên toàn quốc, Bộ Y tế, Sở Y tế đều theo dõi được từng trạm y tế xã hoạt động.