![]() |
Tại nhà máy sản xuất ôtô của Ford ở Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Những công ty Mỹ như Intel và Nike, cùng các nhà đầu tư trên khắp khu vực, đang rót hàng tỷ đôla vào nước này. Việt kiều đang trở về để điều hành các doanh nghiệp.
Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, Tổng thống Mỹ George W Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin đều sẽ tới Hà Nội để dự hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC.
Đối với Việt Nam đây giống như một bữa tiệc ra mắt, quan trọng không kém gì Olympic Bắc Kinh 2008 ở Trung Quốc.
“Tôi nghĩ họ sẽ là Trung Quốc tiếp theo”, Michael R.P.Smith, giám đốc điều hành ngân hàng HSBC nhận xét. “Không quy mô như Trung Quốc, nhưng cũng là một nền kinh tế đáng kể”.
Cuối năm ngoái, tốc độ phát triển của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí Ấn Độ.
Là con hổ kinh tế mới nhất ở châu Á, Việt Nam hiện sản xuất và sử dụng nhiều xi măng hơn Pháp, nước từng đô hộ họ. Chỉ số chính tại thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và thị trường chứng khoán nhỏ hơn ở Hà Nội năm nay đã gần tăng gấp đôi. Việt Nam đã trở thành chủ đề bàn luận của các ngân hàng và các nhà đầu tư khắp châu Á.
Ở Việt Nam, sự tăng trưởng gần đạt mức hai con số đã bắt đầu gây nên tình trạng thiếu lao động tay nghề cao như ở Ấn Độ và Trung Quốc. Các lãnh đạo những công ty đa quốc gia như Group Lafarge của Pháp và Prudential của Anh nói rằng kiểm toán viên trong nước, người điều hành nhân sự và nhiều ngành nghề khác khan hiếm đến mức lương đã tăng 30% - 50%/năm.
Nguyễn Hà, 34 tuổi, một kỹ sư hóa đang có công việc thứ ba trong 3 năm, lương luôn tăng vọt mỗi khi anh đổi chỗ làm. “Hiện giờ, tìm việc ở Việt Nam rất dễ dàng”, anh bình luận trong khi tiến hành một phân tích hóa học về chất lượng xi măng tại phòng thí nghiệm của một công ty ở đây.
Các tuyến đường và cảng ở đây ngày càng xuất hiện nhiều ôtô và tàu, mức độ tắc nghẽn tệ hơn Trung Quốc nhưng chưa khủng khiếp như Ấn Độ. Tuy nhiên, tham nhũng đang làm chậm hoạt động xây dựng. Chính phủ đã phát hiện ra một vụ bê bối tham nhũng dẫn đến việc từ chức và bắt giữ một loạt các quan chức thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Các chính sách tự do hóa kinh tế đã được theo đuổi triệt để kể từ đầu thập kỷ 1990. Trong số những kiến trúc sư của chính sách này là một nhóm các nhà kinh tế tài năng như Lê Đăng Doanh, cố vấn của chính phủ, một người từng học ở Liên Xô và Đông Đức. Ông rất bức xúc về mức độ tham nhũng và sự hoạt động thiếu hiệu quả của các ngành công nghiệp quốc doanh.
“Cải cách là không thể đảo ngược”, ông Doanh bình luận. “Bất kỳ nỗ lực nào để quay nền kinh tế trở lại tập trung bao cấp, quá chú trọng kinh tế quốc doanh là không hiệu quả và phản tác dụng”.
Bộ Tài chính mới đưa ra dự thảo luật thuế cá nhân, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng giêng, đề xuất tới nhiều biện pháp miễn giảm thuế cho người giàu hơn cả ở Mỹ. Vì thế, đang diễn ra một cuộc tranh cãi quyết liệt tại Quốc hội về thuế thu nhập.
Về một số phương diện, Việt Nam có chính sách ủng hộ doanh nghiệp hơn Trung Quốc. E ngại làm phật lòng cư dân đô thị, các nhà máy điện quốc doanh của Trung Quốc giảm thiểu số lần cắt điện ở các khu dân cư, nhưng lại cắt điện tại các xí nghiệp những 3 ngày/tuần, buộc họ phải sử dụng máy chạy điện diesel rất tốn kém.
Việt Nam đi theo hướng ngược lại. Takashima Masayuki, tổng giám đốc một xí nghiệp may áo sơ mi và jacket của Nhật ở Biên Hòa bình luận, xí nghiệp không có cả máy phát điện vì giới chức tại đây không cho phép cắt điện tai khu công nghiệp. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh có khi vẫn bị cắt điện hai lần một ngày.
Cũng như Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam hưởng lợi nhiều từ tầng lớp kiều bào. Hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước, sau khi đã học tiếng Anh, có kinh nghiệm quản lý và trình độ kỹ thuật.
Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel ở Việt Nam và Đông Dương, chỉ mới 14 tuổi khi rời Việt Nam vào những ngày cuối cùng trước khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ. Anh đi bằng trực thăng cùng mẹ, một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ ở Đà Nẵng.
Sau đó, anh học lấy bằng kỹ sư điện tử tại Đại học California, Davis, rồi gia nhập Intel và hiện quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Đó là việc xây dựng nhà máy bán dẫn và xưởng kiểm tra chất lượng, dự kiến sẽ tiêu tốn 300 triệu USD trong giai đoạn đầu và 300 triệu USD nữa cho việc mở rộng về sau.
Các doanh nghiệp Mỹ đang bị Việt Nam hấp dẫn, nhưng họ vẫn ở sau các công ty Đài Loan, vốn là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, tiếp đó là Singapore.
Sức thu hút của Việt Nam với các công ty nước ngoài nằm ở lực lượng lao động trẻ. Ba phần năm trong số 84 triệu người có độ tuổi dưới 27. Và với chính sách giới hạn số con trong các gia đình ở hai thay vì một như ở Trung Quốc, trong nhiều năm tới Việt Nam vẫn sẽ có một lực lượng lao động dồi dào.
Điển hình là Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, mỗi sáng đều đi chiếc xe đạp cũ kỹ đứng chờ ngoài các xí nghiệp để tìm việc ở Biên Hòa. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các xí nghiệp phải quảng cáo rầm rộ để tìm ngay cả lao động tay nghề thấp. Đeo chiếc khẩu trang để che bụi, Hồng cho biết cô và chồng, một người thợ máy đã tìm được việc ở đây, đã để lại dứa con một tuổi cho cha mẹ chồng trông hộ ở vùng quê miền Trung.
Việt Nam đã giảm tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo khổ (dưới 1 USD/ngày) xuống còn 8% so với 51% năm 1990, khá hơn nhiều so với Trung Quốc hay Ấn Độ
Nhưng mức thu nhập vẫn còn rất thấp so với tiêu chuẩn ở phương Tây. Có ít người Việt Nam bỏ tiền để ăn thịt bò Mỹ hay đi máy bay Boeing. Thặng dư thương mại giữa nước này và Mỹ tăng vọt: xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ đạt 5,56 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu đạt 625,9 triệu USD.
Thuế chống phá giá là một vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam, sau khi Mỹ áp dụng đối với xuất khẩu cá basa 3 năm trước và Liên minh châu Âu gần đây áp dụng với giày xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Các quan chức Việt Nam cảnh báo rằng những vụ như vậy sẽ tổn hại đến môi trường làm ăn cho các doanh nghiệp Mỹ và dẫn tới sa thải tại các xí nghiệp may mặc, nơi đa số công nhân là những phụ nữ thu nhập thấp.
“Họ đã chịu đựng nhiều từ chiến tranh, và chúng tôi không muốn họ phải chịu đựng hơn nữa”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, bình luận. “Các nhà đầu tư Mỹ không nên để mất chỗ đứng ở Việt Nam".
Tuy nhiên, các công nhân dệt may ở Việt Nam những ngày này đang lạc quan nghĩ tới một tương lai mà con cái họ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Cha mẹ tôi rất nghèo”, Nguyễn Thu Hoài, 28 tuổi, cho biết, khi cô đang gấp những chiếc jacket Nike màu xanh lá cây tại một xí nghiệp quốc doanh ở thành phố Hồ Chí Minh. “Nhưng tôi sẽ đủ tiền để cho con trai ăn học đàng hoàng”, cô nói và khoe khoản bảo hiểm Prudential khiêm tốn mà cô mua cho cậu con 2 tuổi của mình, trong đó bao gồm cả khoản chi phí học hành: “Nó sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
M.C. (dịch)