Trong thông cáo phát đi chiều 7/8, Bộ Ngoại giao cho biết, đã mời Đại sứ Australia tại Hà Nội lên trao công hàm phản đối Toà án Tối cao bang Victoria ban hành lệnh kiểm duyệt liên quan tới vụ in tiền polymer có nêu tên một số quan chức cấp cao nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Công hàm nêu rõ: "Việc làm này xúc phạm danh dự cá nhân Lãnh đạo Việt Nam cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Australia giải thích nghiêm chỉnh Lệnh kiểm duyệt này và công khai khách quan về vụ án để mọi người hiểu đúng sự thật".
Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Australia đã ghi nhận ý kiến và cho biết Chính phủ Australia sẽ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Lệnh kiểm duyệt liên quan tới vụ án in tiền polymer được Tòa án Tối cao Victoria ban hành ngày 19/6 vừa qua, và được dẫn lại trên trang Wikileaks.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những thông tin Việt Nam có liên quan trong vụ án tiền polymer tại Australia. Năm 2009, The Age đăng loạt bài điều tra về sự không minh bạch trong các hợp đồng của Securency, công ty trực thuộc Ngân hàng Trung ương Australia. Securency cũng được cho là đã thông qua đại lý tại Việt Nam - Công ty CFTD để giành hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polymer.
Sau các thông tin phát đi từ Australia, Việt Nam đưa vụ việc vào danh sách các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội sau đó, Bộ Công an kết luận chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực.
Australia là nước đầu tiên phát hành tiền polymer vào năm 1992. Tại Việt Nam, tiền polymer đầu tiên được lưu hành vào năm 2003, song song với các tiền giấy bằng chất liệu cotton khác. Hiện có 6 mệnh giá được in trên nền polymer là 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 200.000 và 500.000 đồng.
Thanh Thanh Lan