Vụ việc Công ty Australia Securency thông qua đại lý tại Việt Nam là Công ty CFTD để giành hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polymer được liệt kê trong danh sách các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc.
Tuy nhiên, trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, vụ việc này chỉ được xếp vào nhóm "có dấu hiệu tham nhũng". Và Bộ Công an kết luận đến nay chưa phát hiện có tham nhũng, tiêu cực.
Tiền polymer lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2003, và 6 năm sau bùng nổ những nghi vấn không minh bạch. Ảnh: Hoàng Hà |
Trao đổi với VnExpress giữa tháng 8, Phó tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Đức Lượng cho biết mới phát hiện dấu hiệu chưa thực sự minh bạch trong vụ việc này, chưa thể kết luận phía Việt Nam có vi phạm hay không.
Nghi án hối lộ để giành hợp đồng in tiền polymer tại Việt Nam lần đầu tiên được biết tới vào 2009, khi báo The Age (Australia) đăng loạt bài về sự không minh bạch trong các hợp đồng của Securency, công ty trực thuộc Ngân hàng Trung ương Australia. Lúc này, tiền polymer đã đi vào lưu thông tại Việt Nam được gần 6 năm, với nhiều cải tiến so với tiền cotton, đặc biệt là khả năng chống giả, theo như công bố của Ngân hàng Nhà nước. Đại lý của Securency tại Việt Nam lúc đó là Công ty CFTD (có chức năng liên quan tới công nghệ in ấn) đảm nhận vai trò cầu nối để xúc tiến, hỗ trợ đàm phán hợp đồng cung cấp giấy polymer và công nghệ in tiền với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Báo chí Australia đã đặt dấu hỏi về khoản hoa hồng Securency dành cho CFTD trong suốt gần 10 năm qua là 14 triệu AUD, tương đương 7-10% giá trị các hợp đồng. Và theo báo The Age, tỷ lệ hoa hồng này cao hơn mức khuyến cáo và thông lệ tại Australia.
Theo một nguồn tin riêng, lý do Securency chấp nhận trả hoa hồng 7-10% vì CFTD phải tự trang trải toàn bộ chi phí như chuyển giao công nghệ, đào tạo, in thử... CFTD cũng phải chấp nhận mọi rủi ro, tự chịu mọi chi phí nếu Securency không ký được hợp đồng cung cấp giấy nền polymer cho Việt Nam.
"Tỷ lệ 7-10% không cao nếu so với các trách nhiệm mà đại lý Việt Nam phải thực hiện để có được hợp đồng cho Securency. Đây là một giao dịch kinh tế đơn thuần và đại lý nhận phí hoa hồng là chuyện hoàn toàn bình thường", nguồn tin này nói.
Cũng theo nguồn tin này, vì Securency không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam nên theo quy định, họ phải thông qua một đại lý môi giới ở Việt Nam để triển khai hợp đồng kinh tế với phía Việt Nam, nếu họ không muốn tốn thêm chi phí lập văn phòng đại diện hoặc mở chi nhánh.
Hợp đồng môi giới ký với Securency từ 1999 nhưng phải dừng giữa chừng khi các nghi vấn hối lộ được đăng tải trên báo chí Australia năm 2009. Thời gian này, CFTD đã đóng thuế cho các khoản thu nhập từ hợp đồng môi giới in tiền polymer.
Một nghi vấn khác được báo chí Australia đặt ra là khoản tiền đóng học cho con trai Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời bấy giờ (ông Lê Đức Thúy). Báo The Age cho rằng Securency đã thông qua một đối tác tại Anh để thanh toán 49.000 đôla Australia (AUD) tiền học cho con ông Thúy đang theo học tại đây.
Tuy nhiên, qua các chứng từ thu thập được, cơ quan chức năng Việt Nam bước đầu xác nhận khoản tiền này là của gia đình ông Thúy nhờ chuyển giúp sang Anh để đóng học cho con trai.
Sau hai năm điều tra, phía Australia đã cáo buộc 7 công dân của mình, chủ yếu là lãnh đạo Securency và một đối tác về việc hối lộ khoảng 20 triệu AUD để giành hợp đồng in tiền trên thế giới.
Tòa án Australia và Anh dự kiến sẽ đưa vụ việc này ra xét xử trong tháng 12.
Bộ Công an Việt Nam xác minh chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong mối quan hệ giữa Securency và CFTD. Tuy nhiên, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn tiếp tục theo dõi vụ việc từ phía nước ngoài.
Song Linh