Tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 30/5, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách, có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi, kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những bài toán trong quản lý ngân sách mà Chính phủ cần phải giải.
Về nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Ông dẫn chứng, năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Cả giai đoạn 2019-2021 sẽ là 32,7%.
"Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ đồng, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ đồng trên một tháng", ông Hàm nói.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) cho rằng, nợ công được cải thiện nhưng vẫn cao và chưa thể yên tâm bởi Việt Nam mới trả được lãi, trả nợ gốc đến hạn.
Trong khi đó, đại biểu này cũng chỉ ra, các năm qua tổng thể thu ngân sách nhà nước đều vượt lớn so với dự toán song số vừa thu chủ yếu là từ đất. Đây là khoản thu một lần, không có tính bền vững, ổn định, lâu dài do nguồn lực này là hữu hạn. Các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều không đạt dự toán cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa tạo được nền tảng thu ngân sách nhà nước vững chắc, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Có chung quan điểm này, ông Hoàng Quang Hàm cho rằng tình hình thu ngân sách hiện không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, tăng nhanh. Trong khi đó, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán. Ông ví dụ, nếu năm 2016 thu từ dầu và đất chiếm 14,8% tổng thu thì 2017 là 15,7% và 2018 tăng lên 17,6%.
Về tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, đại biểu đoàn Phú Thọ nêu, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng chậm hơn số đơn vị ngừng hoạt động.
Năm 2018, có 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thì có tới 90.000 doanh nghiệp dừng kinh doanh, tức là cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 rời thị trường.
"Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3%, trong tổng số doanh nghiệp kê khai thì chỉ có 40% có lãi", ông dẫn chứng những con số trên và cho rằng năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp.
Nguyễn Hà