Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 1, xuất khẩu cả nước đạt hơn 9,2 tỷ USD trong khi nhập khẩu gần 10,2 tỷ USD. Như vậy, trong 15 ngày đầu năm 2019 Việt Nam đang nhập siêu gần 1 tỷ USD.
Nguyên nhân được lý giải, kim ngạch xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tăng cả về lượng, giá trị đã khiến cán cân thương mại thâm hụt.
Các nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD vẫn là dệt may; điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Điểm đáng lưu ý, nhóm hàng điện thoại ghi nhận mức giảm kim ngạch xuất khẩu, chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD, thấp hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ. Đây cũng là lý do chính khiến trị giá xuất khẩu cả nước bị sụt giảm.
Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm nhẹ gần 50 triệu USD.
Trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ nhóm dệt may đạt được sự tăng trưởng, gần 1,25 tỷ USD, tương đương tăng khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ.
Báo cáo đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương mới đây, cơ quan này cũng dự báo, Việt Nam có thể sẽ nhập siêu khoảng 3 tỷ USD năm nay (dưới 2% so với kim ngạch xuất khẩu).
Những thách thức mới nổi từ thị trường, biến động thay đổi nhanh từ tình hình địa chính trị thế giới ... được cho là những nguyên do tác động, làm đảo chiều cán cân thương mại từ xuất siêu hơn 7,2 tỷ USD năm 2018 sang nhập siêu trong năm nay.
Tuy vậy, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không đồng tình với dự báo cơ quan quản lý thương mại đưa ra. "Năm 2018 Việt Nam đã xuất siêu nên mức nhập siêu 3 tỷ USD mà Bộ Công Thương dự báo là không thể chấp nhận", ông nói và yêu cầu Bộ này cần có ngay giải pháp cấp bách tìm, phát triển thị trường để tăng xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.
Anh Minh