Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 17/1, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương cho biết, năm 2018 xuất siêu cán đích 7,2 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2017 và là con số cao nhất trong thập niên qua.
Tuy nhiên, thành tích này khó có thể duy trì trong năm 2019 trước loạt thách thức mới nổi từ phía thị trường, biến động thay đổi nhanh tình hình địa chính trị thế giới. Những tác động này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.
Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8-10% so với 2018. Trong khi đó nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng gần 12%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD.
Phân tích những thách thức với xuất khẩu năm nay, ông Vượng nhắc tới chính sách kinh tế, thương mại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU... có thể thay đổi nhanh và tác động đa chiều. Ngoài ra, yếu tố căng thẳng về địa chính trị, chính sách tiền tệ thắt chặt diễn ra sớm hơn dự kiến ở nhiều nền kinh tế.
Mặt khác, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn tới cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản.
Trong khi đó, nhập khẩu được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng ở các ngành sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên liệu, máy móc thiết bị của nước ngoài. Vì thế, nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu sẽ tăng trong năm nay.
"Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhất là sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu với hàng nhập khẩu từ các nước; xung đột thương mại Mỹ Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt", ông nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng nhận xét, năm 2019 là "năm rất khó khăn sau năm 2018 'được mùa' cả Công và Thương".
"Chỉ tiêu đạt cao rồi, giờ đạt cao hơn là rất khó. Thương mại thế giới rất bất ổn. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa trở lại bình thường, Brexit còn đang chưa ngã ngũ... là những yếu tố khó khăn nhìn thấy trước mắt với phát triển công, nông nghiệp năm nay", ông Cường nói.
Trưởng ngành nông nghiệp đề nghị, Bộ Công Thương với hệ thống ngành dọc, quản lý hệ thống phân phối, chợ, xúc tiến thương mại... phối hợp cùng ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm nông sản.
"Năm 2019 là năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, nông nghiệp được đánh giá là khu vực dễ tổn thương nhất. Bộ Nông nghiệp đề nghị một chương trình phối hợp phát triển thị trường nông nghiệp mạnh mẽ hơn giữa 2 ngành, nhằm biến thách thức thành cơ hội", ông Cường đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội đề xuất nên mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản bằng cách đưa trực tiếp các mặt hàng nông sản vào các chợ đầu mối lớn, đại siêu thị tại các thị trường trọng điểm, như Rugis (Pháp), Aeon (Nhật Bản). Theo ông, hàng hoá Việt Nam đủ tiêu chuẩn vào được các hệ thống phân phối này sẽ "rộng cửa thâm nhập thị trường Nhật, liên minh châu Âu".
Nguyễn Hoài