Ngày 14/3, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố kết quả bốn con lợn ỉ con khỏe mạnh, phát triển tốt nhờ công nghệ nhân bản từ tế bào soma mô tai (trưởng thành).
Lợn ỉ là giống lợn địa phương ở miền Bắc Việt Nam, lông và da đen tuyền, đầu nhỏ, chân ngắn, lưng võng. Giống này ít thịt nạc, nhiều mỡ, trọng lượng 40-50 kg, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng thịt thơm ngon và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Tám tháng trước, Viện chăn nuôi đã tổ chức triển khai đề tài "Nghiên cứu tạo lợn ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma" nhằm bảo tồn cung cấp giống gốc, nuôi theo hướng đặc sản, chế biến sâu.
TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Chăn nuôi đánh giá, đây là bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật.
Công nghệ áp dụng nhân bản lợn ỉ được thực hiện với quy trình tạo dòng "tế bào cho" từ mô tai, cấy chuyển nhân tế bào cho và tạo phôi lợn nhân bản, cùng nhiều quy trình chuyên môn khác. Đặc biệt, các nhà khoa học đã áp dụng các phương pháp mới như tạo tế bào trứng nhận không có màng sáng (zona pellucida) trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế.
"Thành tựu này đã mở ra các hướng nghiên cứu mới về ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống, bảo tồn các loài động vật có giá trị cao, quý hiếm", ông Thiếu nói. Kết quả đạt được của đề tài đã được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
Công nghệ nhân bản vô tính ở động vật được các nhà khoa học thực hiện thành công từ năm 1979, tạo ra các cá thể từ một tế bào lấy từ nguyên bản gốc mà không phụ thuộc vào quá trình thụ tinh.
Đến năm 1996, sau 276 lần thử nghiệm, các nhà khoa học Scotland đã thành công trong việc nhân bản vô tính trên động vật có vú đầu tiên (nhân bản từ một tế bào soma lấy từ một động vật trưởng thành bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma) để tạo ra được con cừu Dolly. Hai năm sau, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã nhân bản 8 con bê từ một con bò duy nhất. Hiện nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng công nghệ nhân bản vô tính.
Tất Định