Sáng 13/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trình dự án Luật chăn nuôi tại phiên họp Thường vụ Quốc hội.
Theo điều 7 dự Luật, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là chăn nuôi trong nội thành, nội thị (trừ nuôi động vật cảnh và chăn nuôi nhỏ lẻ không vì mục đích thương mại), chăn nuôi trang trại trong khu dân cư.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, sau khi thẩm tra, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét và quy định lại các hành vi nghiêm cấm cho phù hợp hơn.
"Việc cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, cấm chăn nuôi trang trại trong khu dân cư cần có lộ trình trong thực hiện. Thực tế, có trường hợp chăn nuôi ở khu vực trên vẫn đảm bảo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở chăn nuôi và môi trường", ông Dũng nói.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ băn khoăn về quy định trên. "Ví dụ, nhà tôi nuôi mấy con gà tre làm cảnh, đẻ trứng để gia đình tiêu thụ, hoặc biếu bạn bè. Ở đây không vì mục đích thương mại nhưng có thể thừa ra một chút muốn bán thì như thế nào?", bà Hải đặt câu hỏi.
Việc tồn dư chất kháng sinh trong chăn nuôi là nỗi lo lắng của Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy. Vì vậy, theo ông, khi dự luật quy định về danh mục kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam thì "có những loại dứt khoát phải cấm chứ không để nằm trong ngưỡng".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, con người đang bị đe dọa kháng kháng sinh nên phải rất chú ý khi đưa chất kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi. Hiện có 6 chất kháng sinh bị cấm, nhưng tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ Nông nghiệp sẽ bàn lại với cơ quan thẩm tra để quy định rõ hơn trong dự luật.
"Mục tiêu của chúng tôi là làm sao đảm bảo môi trường và giống nòi trở thành ưu tiên số một", ông Cường khẳng định.
Dự luật Chăn nuôi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 20/5.