Khoản hỗ trợ này được World Bank thay mặt Quỹ Khí hậu xanh (GCF) ký kết với Ngân hàng Nhà nước. Theo cơ quan này, 8,3 triệu USD trong 11,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại dùng để hỗ trợ khối tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ cơ quan chức năng về kỹ thuật nhằm cải tiến chính sách, quy định giúp thúc đẩy phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Phần viện trợ còn lại và khoản bảo lãnh dùng để thiết lập quỹ chia sẻ rủi ro. Phần này nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại khi cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng.
World Bank cho biết, quỹ này dự kiến sẽ huy động được khoảng 250 triệu USD từ nguồn tài chính thương mại, cho phép các doanh nghiệp được vay theo điều khoản cạnh tranh hơn và yêu cầu tài sản đảm bảo thấp.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của World Bank Việt Nam cho biết, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng là giải pháp tốt có chi phí thấp nhất để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc, gồm nhu cầu sử dụng, chống ô nhiễm, giảm phát thải nhà kính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nghiên cứu về phát thải cacbon thấp của World Bank ước tính Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 11 GW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng. Tổng nhu cầu đầu tư cho tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của một số ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam ước tính vào khoảng 3,6 tỷ USD.
Đức Minh