Theo Tiến sĩ Trần Trường Thuỷ, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, vị trí giàn khoan thứ hai mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo thuộc vùng ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, nơi Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định ranh giới.
Thông tin của Bộ Ngoại giao dẫn lời ông Thủy cho hay trước thông tin cho rằng giàn khoan Nam Hải số 9 vào vùng biển còn gần Việt Nam hơn giàn khoan Hải dương 981, ông đã kiểm tra số liệu trên trang mạng của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc về thông báo này.
Theo luật biển quốc tế, việc kéo giàn khoan di chuyển mà không định vị cũng như không tiến hành khoan đào ở đáy biển thuộc nội dung tự do hàng hải. Các quốc gia có quyền tự do hàng hải ở trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và vùng biển quốc tế.
Đối chiếu trên bản đồ thì vị trí mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo thuộc vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, là nơi Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định ranh giới biển, nhưng chưa đạt thỏa thuận.
Theo thông lệ quốc tế, ở những khu vực như vậy, các bên hữu quan sẽ không có các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên vượt quá đường trung tuyến giả định giữa hai đường cơ sở đối diện nhau ở vùng biển chưa phân định.
"Vấn đề rất quan trọng là chúng ta cần theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Nam Hải 9 và có hành động phù hợp khi các quyền lợi hợp pháp của ta bị xâm phạm", ông Thủy nói.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, các động thái của Trung Quốc ở biển Đông đều khiến dư luận quốc tế quan tâm và lo ngại sâu sắc.
Cục Hải sự Trung Quốc tuần này phát thông báo về hoạt động của các giàn khoan Nam Hải 9, 2, 4 và 5 ở Biển Đông và không cho biết chúng thuộc sở hữu của ai. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận 4 giàn khoan vừa được triển khai ở Biển Đông nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và Hải Nam và cho đó là hoạt động bình thường.
Việt Anh