"Những hoạt động (đó là) bình thường", Xinhua dẫn lời bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói trong cuộc họp báo.
Khi được hỏi liệu các giàn khoan sẽ được hạ đặt tại những vùng biển mà sẽ gây tranh chấp hay không, người phát ngôn tuyên bố 4 giàn khoan vừa được triển khai ở Biển Đông nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và Hải Nam. Tọa độ của các giàn khoan có thể được tìm thấy trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc, bà Hoa nói.
Cục Hải sự Trung Quốc tuần này phát thông báo về hoạt động của các giàn khoan Nam Hải 2, 4, 5 và 9 ở Biển Đông và không cho biết chúng thuộc sở hữu của ai. Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) trước đó công bố có 4 dự án mới dự kiến triển khai tại vùng biển phía tây và phía đông Biển Đông trong nửa cuối năm nay, nhưng hiện vẫn chưa rõ các giàn khoan có nằm trong những dự án này hay không.
CNOOC hồi đầu tháng 5 đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa, sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngang nhiên thực hiện hoạt động thăm dò.
Trung Quốc còn duy trì hàng trăm tàu, máy bay, trong đó có cả tàu và máy bay quân sự, tàu cá vỏ sắt hộ tống giàn khoan, cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam làm nhiệm vụ. Việt Nam cực lực phản đối hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan cùng tàu hộ tống, bồi thường cho những thiệt hại nước này gây ra cũng như không tái diễn hành động tương tự.
Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách đường 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn với 4 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Căng thẳng trên Biển Đông lên cao trong thời gian gần đây khi Bắc Kinh có những động thái ngày càng mạnh nhằm khẳng định chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích vùng biển này.
Trọng Giáp