Tại Diễn đàn về cách mạng công nghiệp 4.0 sáng 6/12, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận nhiều về cách thức giúp kinh tế hồi phục và không ít ý kiến cho rằng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa của Việt Nam.
Chia sẻ từ Hàn Quốc qua hệ thống trực tuyến, ông Yong Hongtaek, Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ thông tin Hàn Quốc, nêu 3 yếu tố Việt Nam nên thực hiện.
Thứ nhất là tăng cường đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ bởi đây là những yếu tố sẽ tạo ra thay đổi trong tương lai. Chính phủ, các cơ quan quản lý cần tạo cơ chế cho phép các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm ra những sản phẩm thiết yếu cho xã hội. Thực tiễn tốt nhất cho điều này được ông lấy ví dụ là Công ty Moderna Therapeutics, đơn vị thành công trong chế tạo vaccine Covid-19 sau chưa đến 1 năm nghiên cứu.
"Đổi mới sáng tạo có thể tạo tiền đề cho các hoạt động khởi nghiệp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang giúp các nhà khoa học vượt qua thách thức trong quá trình thành lập các công ty mới nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học", ông nói.
Tại Hàn Quốc, nước này đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ và bổ sung ngân sách để các nhà khoa học dám chấp nhận thử thách trong việc thành lập các công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm mà không sợ thất bại. Quỹ thương mại hoá các công nghệ công khai trị giá 20 tỷ won của nước này đang liên tục hỗ trợ giai đoạn đầu của các công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm.
Thứ hai là cần chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số. Theo ông Yong Hongtaek, mô hình làm việc từ xa và các khóa học trực tuyến, vốn không được áp dụng nhiều trước đây nhưng nay trở nên phổ biến. Đó là tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ sáng tạo dựa trên AI và dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính.
"Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, việc một công ty có thể chủ động đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số không chỉ quyết định sự tăng trưởng của công ty mà còn quyết định cả tương lai của một quốc gia", ông nhấn mạnh.
Để chủ động ứng phó với những biến động gần đây, Hàn Quốc đã tuyên bố chuyển sang nền kinh tế dữ liệu. Hàn Quốc cũng đã triển khai dự án đập dữ liệu (một kênh tập hợp các dữ liệu), như một phần quan trọng của sáng kiến kỹ thuật số mới. Nước này cũng đồng thời nỗ lực phát triển các ngành liên quan và đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Cuối cùng, ông đề cập đến khái niệm về các cụm đổi mới sáng tạo. Hàn Quốc đã lập ra các Đặc khu về nghiên cứu và phát triển - nơi quy tụ hàng nghìn doanh nghiệp, viện, đại học nghiên cứu được Chính phủ tài trợ.
"Nền kinh tế có thể được hồi sinh khi kết quả nghiên cứu cơ bản được luân chuyển thông qua quá trình thương mại hóa sau khi thực hiện nghiên cứu ứng dụng và tạo ra sản phẩm và dịch vụ, chứ không phải chỉ dừng ở dưới dạng kết quả nghiên cứu trên giấy tờ, sách vở và bằng sáng chế", ông nhấn mạnh.
Bà Marie C. Damour, Đại biện lâm thời của phái đoàn Mỹ tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là chìa khoá phục hồi kinh tế bền vững sau dịch. Bà chia sẻ, phía Mỹ mong muốn có thể cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý cho kinh tế số và không gây ra những gánh nặng hành chính với quá trình số hoá nền kinh tế.
"Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ đối tác song phương, đa phương với Chính phủ, khu vực tư nhân để tạo khuôn khổ chính sách thúc đẩy phát triển trong nước và toàn cầu", bà nói.
Mặt khác, bà cũng cho biết, phía Mỹ đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động Việt Nam chuyển đổi số để ứng phó với Covid-19.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số.
Theo ông, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Ông cũng nhắc lại thời gian Việt Nam chống dịch vừa qua và khẳng định những khó khăn hiện tại "chỉ là tạm thời".
Thời gian đầu, do chưa đủ vaccine, thuốc, cũng như chưa hiểu và dự báo được sự nguy hiểm của các biến chủng, cách duy nhất để chống dịch theo ông là sử dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt, khiến kinh tế bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, khi đạt được bao phủ vaccine ở mức nhất định, năng lực y tế nâng cao..., Việt Nam đã chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Nhờ vậy, 2 tháng vừa qua, kinh tế đã có nhiều khởi sắc như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng cao, các chuỗi cung ứng sản xuất được nối lại...
"Điều này cho thấy khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời. Nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư được giữ vững", Thủ tướng nói.
Với yếu tố công nghệ, như bài toán đặt ra tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội số, tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đức Minh