Chính phủ ngày 9/5 ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tại Nghị quyết 41 ban hành tháng 10/2023, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tới 2030, Việt Nam phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công - nông nghiệp.
Tại Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ nêu mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, do tổ chức uy tín bình chọn.
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 Forbes công bố hồi tháng 4, Việt Nam vẫn giữ nguyên số lượng với 6 đại diện là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Theo báo cáo Thịnh vượng do hãng tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) phát hành hồi tháng 3, năm 2023 Việt Nam ước có khoảng 752 người siêu giàu, tăng 2,4% so với 2022. Knight Frank dự báo đến 2028, dân số siêu giàu tại Việt Nam sẽ đạt 978, cao hơn khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong top 5 tăng nhanh tại châu Á - Thái Bình Dương, dẫn trước Hàn Quốc, Hong Kong, và Singapore.
Nghị quyết của Chính phủ cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh nhằm mở đường dẫn dắt các ngành. Hơn nữa, cả nước cũng phấn đấu khu vực doanh nghiệp góp 65-70% GDP cả nước, khoảng 32-38% tổng việc làm trong nền kinh tế.
Về tỷ lệ giới, cả nước phấn đấu có khoảng 20-25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trong đó phải có trên 30% doanh nghiệp do nữ giới làm giám đốc. Hơn nữa, Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách có giá trị thương hiệu cao nhất tăng 10% mỗi năm.
Dài hạn đến 2045, Việt Nam phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Ngoài ra, ở các lĩnh vực sẽ hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân có năng lực, trình độ, đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển.
Để làm được những việc trên, Chính phủ yêu cầu thời gian tới các bộ ngành, địa phương, hiệp hội nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân trong mục tiêu phát triển đất nước. Nhà chức trách cũng cần hoàn thiện chính sách pháp luật để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Chính phủ còn đặt kỳ vọng xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, để từ đó phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khi hợp tác, phát triển cần có sự liên kết giữa công nhân - nông dân - trí thức.