Gần đây, một số nước như Thái Lan, Colombia... bày tỏ ý muốn gia nhập CPTPP sau khi 11 nước thành viên đã chính thức ký kết hiệp định hồi tháng 3. Trước câu hỏi về việc CPTPP có thêm thành viên mới, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cho biết đây là một hiệp định thương mại tự do mở.
"Các nước có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định được triển khai, trên cơ sở có sự chấp nhận các tiêu chuẩn và được các nước thành viên đồng thuận", bà Hằng nói.
Nhắc đến tiến độ phê chuẩn CPTPP của Việt Nam, người phát ngôn cho biết Bộ Công Thương Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ để có thể trình lên Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 10.
"Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP phù hợp với các quy định của pháp luật của từng nước để sớm đưa hiệp định vào triển khai, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên và đóng góp cho tăng trưởng liên kết kinh tế ở khu vực", bà Hằng nói, cho biết thêm CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất có 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.
CPTPP là tên mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Mỹ rút khỏi thoả thuận. Trong tháng 3/2018, sau nhiều năm đàm phán với hàng loạt thách thức, 11 nước thành viên CPTPP đã chính thức ký kết hiệp định tại Chile.
Giới quan sát đánh giá "TPP không có Mỹ" vẫn mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Hiệp định này cũng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng 1,1% vào năm 2030, 100% các sắc thuế sẽ về 0% sau 7-10 năm... nếu CPTPP có hiệu lực.
Khánh Lynh