Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới công bố của Heritage Foundation (Mỹ), tổng điểm của Việt Nam năm nay tăng 2,9 điểm, chủ yếu do sức khỏe tài chính được cải thiện.
Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế.
Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cũng cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Theo Heritage Foundation, thứ hạng khả năng sẽ cải thiện hơn nữa nếu chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.
Chỉ số năm nay được Heritage Foundation đo lường trên 184 nền kinh tế. Đây là năm thứ 27 liên tiếp chỉ số này được công bố. Tổ chức này đo lường bằng cách dựa trên 12 yếu tố định lượng và định tính, được nhóm thành bốn "trụ cột" của tự do kinh tế.
Chúng bao gồm: Nhà nước pháp quyền (quyền tài sản, tính liêm chính của chính phủ, hiệu lực tư pháp); Quy mô chính phủ (chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính); Hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ)
Thị trường mở (tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).
Mỗi quyền tự do kinh tế trong số 12 quyền thành phần nêu trên được chấm theo thang điểm từ 0 đến 100. Điểm tổng thể của một quốc gia được tính bằng cách lấy trung bình điểm của mười hai quyền này, với trọng số tương đương nhau.
Với 89,7 điểm, Singapore duy trì năm thứ hai đứng đầu thế giới về chỉ số tự do kinh tế và cũng đồng thời đứng hạng nhất trong số 40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điểm số của nước này cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Ngoài ra, Singapore vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới được coi là tự do về kinh tế trong mọi hạng mục chỉ số. Bốn nền kinh tế còn lại trong top 5 bao gồm: New Zealand, Australia, Thụy Sỹ và Ireland.
Viễn Thông