ICPC là cuộc thi lập trình toàn cầu lâu đời và danh giá bậc nhất, được ví như "Thế vận hội Olympic" dành cho sinh viên ngành công nghệ thông tin. Cuộc thi bắt đầu từ năm 1970, được tổ chức bởi Hiệp hội Danh dự Khoa học Máy tính UPE, sau đó mở rộng quy mô trên phạm vi toàn cầu. ICPC lần thứ 45 thu hút trên 400.000 sinh viên từ 3.450 trường đại học trên thế giới.
Năm nay, Việt Nam có ba đội thi từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM. Ba đội đã vượt qua vòng loại châu Á để so tài với 137 đội tuyển từ các trường đại học danh tiếng trong Chung kết toàn cầu ICPC tại Dhaka, Bangladesh.
Trận chung kết World Final ICPC bắt từ 12h đến 17h ngày 10/11 (giờ Hà Nội). Trong 5 tiếng tranh tài, đội tuyển EggCentroy của Đại học Công nghệ gồm sinh viên Bùi Hồng Đức, Vũ Hoàng Kiên, Nguyễn Hải Bình và huấn luyện viên Hồ Đắc Phương đã giải được 8/12 bài. Trong đó, đội nộp thành công bài thi L vào phút thứ 210 và lọt top 12. Sau đó, đội tiếp tục nộp thành công bài thứ 8 vào phút thứ 250.
Kết thúc, đội thi từ Đại học Công nghệ xếp vị trí 12 trên bảng xếp hạng, đoạt huy chương đồng. Hại đại diện còn lại của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội xếp thứ 37 và Đại học Khoa học Tự nhiên xếp thứ 46.
Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch ICPC Việt Nam, cho biết đây là lần đầu Việt Nam có giải này sau 20 năm tham dự World Final ICPC và cũng là lần đầu một quốc gia trong khối ASEAN có giải.
"ICPC là 'giấy giới thiệu' đặc biệt của tài năng lập trình trẻ Việt Nam đến các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Facebook, Microsoft, Amazon... Việc đứng top 12 là vinh dự và tự hào của sinh viên công nghệ thông tin Việt Nam", Chủ tịch ICPC Việt Nam nhấn mạnh.
Đây là năm thứ 17 liên tục Việt Nam có đội tuyển đại diện tham gia Chung kết toàn cầu ICPC. Trước đó, Việt Nam đã có 5 trường có tên trên bảng xếp hạng toàn cầu là: Đại học Bách khoa TP HCM, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Cần Thơ và Đại học FPT, nhưng chưa đội nào giành huy chương.
Theo ông Vicky Zhang, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Huawei, ICPC mang đến một cộng đồng và nền tảng lớn cho thế hệ trẻ, cùng những bộ óc hàng đầu của những người giải quyết vấn đề. Do đó, hãng tham gia đồng hành, cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo tài năng trẻ có quyền tiếp cận các kỹ năng và tư duy cần thiết để phát triển trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.
Chung kết ICPC năm nay có một giải vô địch, ba giải vàng, bốn giải bạc và bốn giải đồng. Giải vô địch thuộc về đội của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với 11/12 bài toán được giải. Giải vàng được trao cho đội Đại học Bắc Kinh, Đại học Tokyo và Đại học Quốc gia Seoul. Giải bạc thuộc về Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ, Trường Sư phạm Paris, Đại học Carnegie Mellon, Đại học Warszawa. Đội của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng hạng đồng với hai đội của Trường Kinh tế Cao cấp Nga và Đại học Tổng hợp Saint Petersburg.
Khương Nha