"Việt Nam được thiên nhiên ban tặng nhiều điều kiện trù phú nhưng nền nông nghiệp vẫn phụ thuộc phương thức canh tác truyền thống. Điều này khiến giá trị nông sản thấp, hiệu quả canh tác chưa cao và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nông dân. Đó là lý do chúng tôi khao khát phát triển một mô hình nông nghiệp thông minh, sử dụng drone cho việc tìm kiếm, diệt trừ sâu bệnh", đại diện MiSmart mở đầu phần thi của mình tại chung kết Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2022 (QVIC), diễn ra ngày 14/9 tại TP HCM.
Theo Phạm Thanh Toàn, sinh năm 1988, trước đây người nông dân thường đi bắt sâu trên cây trồng. Sau đó để nhanh và triệt để hơn, họ chọn phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng. Điều này làm cho nông sản Việt Nam dư một lượng thuốc trừ sâu rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và khiến giá trị nông sản bị đánh giá thấp.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, MiSmart đưa ra thị trường mẫu máy bay không người lái để chụp ảnh cánh đồng. Hình ảnh sau đó được chuyển về máy chủ phân tích hình ảnh. Nhờ ứng dụng AI, hệ thống tự động phát hiện những điểm bị sâu bệnh. Sau đó chính drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc đúng cây bị sâu bệnh. Anh Toàn khẳng định cách làm này giúp tiết kiệm đến 90% nước dùng, giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 12-15% chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại một số hạn chế về mặt kết nối, truyền tải dữ liệu. "Trước khi tham dự QVIC, hệ thống kỹ thuật của chúng tôi còn rất ngổn ngang, chưa nghĩ đến việc dùng SIM 4G để truyền tín hiệu, hay làm các hệ thống tay cầm điều khiển bằng tay cho Android", Toàn chia sẻ.
Anh cho biết hai tháng đầu khi tham gia QVIC 2022, đội ngũ vẫn gần như giậm chân tại chỗ, không có đột phá mới. Nếu muốn thay đổi, họ phải làm lại toàn bộ hệ thống.
Cuộc thi kéo dài 6 tháng, nhưng khi 2/3 thời gian qua đi, đội của Toàn vẫn chưa đưa ra được một giải pháp khả thi để nâng cấp hệ thống drone AI hiện tại của công ty.
"Nhưng may mắn là trong hai tháng cuối, khi tìm ra giải pháp, chúng tôi đã kịp thiết kế và hoàn thành hai mạch hoàn toàn mới, dùng chip Snapdragon 625 và 825 để xây hệ thống mới cho AI. MiSmart cũng tạo được bảng điều khiển drone mới trên Android, hệ thống radar, camera...", Toàn kể lại.
Hệ thống được xây dựng trong hai tháng đã mang lại nhiều tính năng nổi trội cho drone của MiSmart. Trong đó, nổi bật là có thể xác định vị trí của máy bay với sai số dưới 5 cm. Quan trọng hơn, hệ thống có thể truyền dữ liệu theo thời gian thực từ máy bay đến phần mềm Flight hub của công ty bằng 4G LTE. Tiếp đến là giúp người dùng có thể điều khiển drone theo nhiệm vụ tự động nhận từ tay cầm. Cuối cùng, hệ thống giúp xử lý dữ liệu đám mây điểm từ radar đẳng hướng và thuật toán giúp tìm đường, né vật cản tối ưu.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, cho rằng việc ứng dụng drone AI vào nông nghiệp không chỉ là bài toán của Việt Nam. Tất cả những nước muốn chuyển sang nền nông nghiệp thông minh đều cần những giải pháp mới, đột phá. Do đó, tiềm năng phát triển ra thị trường quốc tế của những startup như MiSmart rất lớn. Đại diện Qualcomm cũng cam kết sẽ hỗ trợ các công ty tiếp tục phát triển công nghệ, tham gia sâu vào hệ sinh thái của tập đoàn trong hành trình vươn ra thị trường toàn cầu.
Cuộc thi Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 2019, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các công ty dự thi là startup trong các lĩnh vực công nghệ mới đang thiết kế sản phẩm liên quan đến lĩnh vực 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh...
QVIC 2022 cũng trao giải nhì cho dự án VPTech’s RAY chuyên cung cấp thiết bị DAC/Amplifier di động cao cấp được sản xuất tại Việt Nam. Giải ba thuộc về dự án làm đồ chơi robot bằng bìa cứng cùng với nền tảng tương tác thực tế ảo của GraphicsMiner.
Khương Nha