Trang trại 50.000 con gà đẻ trứng của Hợp tác xã Nguyễn Gia sẽ chuyển đổi sang hệ thống nuôi thả, hướng tới việc bán tín chỉ gà đẻ không lồng đầu tiên tại Việt Nam, theo ký kết với công ty Global Food Partners - đơn vị xây dựng tín chỉ này đầu tiên trên thế giới, đang cấp cho hơn 50 đối tác lớn trong đó có Unilever và Marriott.
Tín chỉ gà đẻ không lồng (Impact Incentives) được Global Food Partners đưa ra lần đầu vào năm 2020. Tương tự tín chỉ carbon, tín chỉ này là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, giúp các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và khách sạn bù đắp phần thiếu hụt so với mục tiêu cam kết.
Global Food Partners là công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore, đang hoạt động tại nhiều quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, hợp tác với hơn 50 đối tác thực phẩm và khách sạn như Unilever, Compass, Marriott, Accor...
1.000 trứng từ gà đẻ không lồng (cage-free) tương đương với một tín chỉ. Giá cả tín chỉ do hai bên thỏa thuận, thường dựa trên mức giá chênh lệch giữa trứng bình thường và trứng từ gà không nhốt lồng. Phần tiền này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho quá trình sản xuất và chuyển đổi sang hệ thống không nhốt lồng của trang trại chăn nuôi.
Nguyễn Gia là một trong những trang trại tư nhân chăn nuôi gà đẻ trứng lớn ở miền Bắc. Nói với VnExpress, ông Nguyễn Hữu Tuệ - chủ hợp tác xã - cho biết 80% đàn gà cho trứng mỗi ngày, tương đương 40.000 quả. Quy trình của Global Food Partners tương tự GAP (các tiêu chuẩn về nông nghiệp bền vững) hoặc OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sau vài tháng thực hành, các chuyên gia sẽ lấy mẫu nước, kiểm tra khí thải, cám, máng, ổ đẻ..., hướng dẫn thêm.
"Cám không có bột gà. Máng ăn, uống, ổ đẻ phục vụ không quá 10 con", ông Tuệ cho biết. Mật độ nuôi cũng giảm hơn để gà "thoải mái". Với nuôi nhốt, mỗi mét vuông nuôi 10 con, chuyển sang nuôi thả mật độ giảm còn 7-8 con. Cứ 10.000 con chuyển đổi từ nuôi nhốt sang nuôi thả, chi phí vào khoảng vài trăm triệu đồng, chủ hợp tác xã Nguyễn Gia cho biết.
Nuôi không lồng là một biện pháp đảm bảo phúc lợi động vật. Theo Tổ chức Động vật Châu Á, phúc lợi này được đo bằng năm tiêu chí gồm không bị đói khát, không bị khó chịu về thể chất và tinh thần, không bị đau đớn/thương tật/bệnh tật, không bị sợ hãi và lo lắng, tự do thể hiện hành vi bản năng.
Sau khi trang trại đạt chuẩn, Global Food Partners sẽ hỗ trợ bán tín chỉ. Mô hình nuôi thả có thể giúp tăng giá trứng thêm 20-30% so với mức hiện tại 2.000 đồng/quả Nguyễn Gia đang bán.
"Người tiêu dùng mong muốn sử dụng thực phẩm từ nguồn có trách nhiệm và nhân đạo. Tín chỉ này rất tiềm năng. Các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia đang có xu hướng chuyển đổi rất lớn", một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho biết.
Trong báo cáo phúc lợi động vật 2024, Unilever cho biết đã đạt được tỷ lệ 100% sử dụng trứng từ gà không nhốt lồng tại châu Âu và Bắc Mỹ vào 2020, hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ này trên toàn cầu vào 2025. Tại châu Á và châu Úc, tỷ lệ sử dụng trứng này dự kiến tăng từ 7% năm 2023 lên 27% vào 2024.
Liên minh toàn cầu về phúc lợi động vật (GCAW) cho biết một số nước châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan đã cấm nuôi nhốt. Mỹ hiện cấm ở 10 bang. Chính sách cấm nuôi nhốt cũng đang được Mexico đề xuất.
Phúc lợi động vật được đưa vào Luật Chăn nuôi 2018 của Việt Nam, yêu cầu đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ, nhưng chưa triển khai mạnh. Tháng 8 vừa rồi, Việt Nam chính thức có Ban đối tác chăn nuôi không lồng nhốt, gồm các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đầu vào (thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y, vaccine, thiết bị) đến các trang trại và các nhà thu mua, nhà sản xuất (sản xuất bánh kẹo) như C.P Việt Nam, Kinh Đô Mondelez...
Thủy Trương