11 tháng năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức hôm nay, ông Alex Tatsis - Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM - đánh giá vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng. "Chuỗi cung ứng" ông đề cập là từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ôtô đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Mỹ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước.
"Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới. Đó là lý do Mỹ đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn", ông Alex nói.
Theo Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM, nâng cao khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden - Harris. Nước này sẽ tăng cường thuận lợi hóa thương mại và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ quan nước này cũng giúp nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và chuyển đổi số. Theo ông Alex, điều này giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia.
Thông qua một số dự án, Mỹ đang giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. "Điều này giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia", ông nói.
Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhưng chính quá trình dịch chuyển này đã tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng quan trọng của Việt Nam và hoạt động hải quan.
Để khắc phục, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại của USAID – một dự án kéo dài 5 năm trị giá 21 triệu USD – đang phối hợp với Tổng cục Hải quan điều chỉnh các thủ tục thông quan biên giới và giảm tắc nghẽn tại cửa khẩu chính, bao gồm Cảng Cát Lái ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm vận chuyển container lớn nhất tại Việt Nam.
Tất Đạt