Đề cập tới thông tin đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) kêu gọi người dân nước này tụ tập tại cột mốc biên giới với Việt Nam ở An Giang vào ngày 26/7 sắp tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết chính quyền hai nước đã có các thảo luận liên quan đến các hoạt động trong khu vực biên giới, nhất là khu vực chưa phân giới cắm mốc.
"Hoạt động gây rối trong khu vực biên giới hai nước là không phù hợp với các thỏa thuận song phương", ông Bình nhấn mạnh.
Theo người phát ngôn, ngày 27/12/1985 Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước, có hiệu lực từ ngày 22/2/1986. Ngày 10/10/2005, hai nước ký Hiệp ước bổ sung cho văn bản năm 1985, có hiệu lực vào ngày 6/12/2005.
Căn cứ hai hiệp ước này thì đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia được thể hiện trên bản đồ Bonne có tỷ lệ 1/100.000, và bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000, đính kèm Hiệp định hoạch định biên giới năm 1985.
"Tôi xin nhấn mạnh công tác phân giới cắm mốc trên thực địa thuần túy là công việc song phương giữa Việt Nam và Campuchia, được tiến hành trên cơ sở hai hiệp ước nói trên cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế", ông Bình nói.
Ông Bình cho biết thêm thời gian qua các cơ quan chức năng Việt Nam và Campuchia đã tích cực phối hợp kiểm soát tốt tình hình, không để vấn đề biên giới, các công việc ở biên giới làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị. Hai bên cũng nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán phân giới cắm mốc theo đúng thỏa thuận giữa hai nước.
Sáng 19/7, khoảng 1.800 người Campuchia từ thủ đô Phnom Penh đã di chuyển tới khu vực biên giới giữa tỉnh Long An (Việt Nam) và Svay Rieng (Campuchia). Sau đó, một nhóm khoảng 800 người đã di chuyển tới sát khu vực biên giới, gần cột mốc 203.
Theo thống nhất của chính quyền hai tỉnh Long An và Svay Rieng, các lực lượng chức năng của hai bên đã được triển khai tại khu vực trên để giữ gìn an ninh trật tự, ổn định tình hình. Hai bên đã thỏa thuận, cho phép khoảng 100 người Campuchia đến cột mốc 203 trong trật tự và không được xâm lấn sang lãnh thổ Việt Nam.
Khoảng 17h cùng ngày, sau khi được các cơ quan chức năng hai bên tuyên truyền, vận động, nhóm 800 người trên đã rời khỏi khu vực biên giới, trở về nội địa Campuchia. An ninh trật tự được đảm bảo.
Trước đó hôm 28/6, khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sĩ đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý, thuộc địa bàn tỉnh Long An. Lực lượng chức năng Việt Nam và người dân địa phương đã ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích Campuchia tấn công, khiến 7 người Việt Nam bị thương.
Đại diện chính phủ Campuchia hôm 16/7 đã cam kết với Việt Nam sẽ không để xảy ra vụ gây rối tương tự như ở Long An, đồng thời cho biết sẽ tôn trọng các cam kết song phương.
Hôm 18/7, đáp lại yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Liên Hợp Quốc (LHQ) cung cấp một phần thông tin về bản đồ phân định biên giới với Việt Nam và sẽ tiếp tục tìm kiếm các tài liệu này. Ông Hun Sen đề nghị mượn lại bản đồ Bonne sau khi CNRP nhiều lần cáo buộc chính phủ Campuchia sử dụng những tấm bản đồ mà họ cho là do Việt Nam vẽ ra trong những năm 1980.
Trong 9 năm qua, Việt Nam và Campuchia đã phân giới được 920 km trong tổng số chiều dài đường biên giới 1.137 km, xác định được 260 vị trí mốc, xây dựng được 305 cột mốc. Hiện nay còn 7 đoạn trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia mà hai nước chưa thống nhất được cách giải quyết.
Việt Anh