Tiến sĩ Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu Campuchia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trao đổi với VnExpress về căn cứ phân chia đường biên và những biện pháp Việt Nam và Campuchia cần thực hiện để duy trì biên giới hòa bình.
– Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây gửi đề nghị tới Liên Hợp Quốc muốn mượn lại bản đồ Bonne. Xin ông cho biết nội dung liên quan tới phân định biên giới Việt Nam và Campuchia là gì?
- Bản đồ này gồm có 26 mảnh, do Sở Địa dư Đông Dương phát hành từ năm 1927 đến năm 1953 có tỷ lệ 1/100.000. Việt Nam và Campuchia bắt đầu thống nhất sử dụng bản đồ Bonne để phân định biên giới vào năm 1983 . Trong quá trình phân định đường biên, hai nước đã chuyển vẽ đường biên giới từ bản đồ Bonne sang bản đồ UTM có tỷ lệ 1/50.000 do Mỹ sản xuất từ năm 1963 đến năm 1969.
Việc bản đồ Bonne được bảo lưu ở LHQ giúp khẳng định tính hợp pháp của việc phân giới giữa Việt Nam và Campuchia.
– Nếu có được bản đồ Bonne và các tài liệu liên quan tại LHQ, chính phủ Campuchia sẽ làm sáng tỏ những vấn đề gì hiện nay?
- Hồi tháng 5/1967, Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk đã gửi công hàm đến các nước có quan hệ ngoại giao với nước này, yêu cầu công nhận đường biên giới hiện thời của Campuchia theo bản đồ Bonne. Tháng 6 cùng năm, Việt Nam Dân chủ cộng hòa gửi lại công hàm công nhận đường biên theo tài liệu này. Như vậy nếu Thủ tướng Campuchia Hun Sen có trong tay tấm bản đồ Bonne thì sẽ giúp chứng minh tính hợp pháp của đường biên hiện nay, phản bác lại luận điệu của đảng đối lập CNRP rằng Campuchia bị mất đất.
Hồi tháng 8/2012, một số nghị sĩ thuộc đảng đối lập CNRP đã yêu cầu Thủ tướng Hun Sen giải trình trước Quốc hội nước này về tình hình đường biên với Việt Nam, ông Hun Sen đã trình bày đến 6 tiếng đồng hồ, khẳng định nước này không bị thua thiệt khi phân giới với Việt Nam.
– Theo ông vì sao đảng CNRP lại gây những xáo trộn ở biên giới thời điểm này?
- Họ muốn thu hút sự quan tâm của người dân Campuchia để tăng lá phiếu của cử tri dành cho mình. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, CNRP từng đưa ra những lời hứa về tăng lương cho công nhân, tăng trợ giá thực phẩm, nông sản cho nông dân, trợ cấp cho người già trên 65 tuổi và con em các hộ nghèo cũng có trợ cấp. Đó là những lời lứa mang tính định lượng được và người dân có thể đặt ra câu hỏi đảng này lấy nguồn ngân sách ở đâu.
Tuy nhiên chiêu bài đường biên với Việt Nam lại không định lượng được. Năm 2017 Campuchia sẽ tiến hành bầu cử hội đồng cấp xã, phường và năm 2018 thực hiện bầu cử Quốc hội khóa VI. Do đó có thể coi đây là quá trình khởi động của họ.
Tôi cũng cho rằng chúng ta không loại trừ khả năng có bàn tay thứ ba can thiệp vào tình hình hiện nay. Việt Nam cần tính đến sự liên quan với căng thẳng ở Biển Đông.
- Sau cuộc họp giữa hai chủ tịch Ủy ban Liên hợp Phân giới Cắm mốc (UBLH PGCM) biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đầu tháng này, hai bên còn vấn đề gì chưa giải quyết được?
- Hai nước vẫn chưa thống nhất được 7 điểm, bao gồm cột mốc 30-40 ở tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và Rattanakiri (Campuchia); cột 40-44 thuộc Gia Lai – Đăk Lăc và Rattanakiri – Mondulkiri; cột mốc 56-60 thuộc Đăk Nông và Mondulkiri; cột 138 – 147 thuộc Tây Ninh và Svay Riêng; cột 241 – 245 và 247 – 253 thuộc An Giang và Kandal; cột 295 – 302 thuộc Kiên Giang và Kampot.
Trên đường biên có tổng chiều dài 1.137 km, chạy qua 10 tỉnh Việt Nam và 9 tỉnh Campuchia, tính đến tháng 7 năm nay, hai nước đã xác định được 260/314 vị trí mốc, đạt tỷ lệ 84%. Hai nước xây dựng được 305/371 cột mốc. Việt Nam và Campuchia cũng quy thuộc các cồn bãi thuộc sông suối, đạt 104 cồn bãi, trong đó có 39 cồn thuộc Việt Nam.
- Hai nước nên làm gì để giải quyết căng thẳng hiện nay và đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc ở 7 khu vực còn lại?
- Tôi cho rằng Việt Nam cần bàn bạc với Campuchia về các cách áp dụng các văn bản pháp lý mà hai bên đã ký kết. Đó là Hiệp ước quy chế biên giới tháng 7/1983, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký tháng 12/1985 và Hiệp ước bổ sung vào tháng 10/2005.
Hai nước cần tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận đã ký, Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, Hiệp định về quy chế biên giới (ký ngày 20/7/1983), Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia (ký ngày 27/12/1985) và Hiệp ước giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 (ký ngày 10/10/2005).
Đồng thời Việt Nam cũng tăng cường tuyên truyền cho các lực lượng thực thi công tác phân giới cắm mốc để họ nắm rõ thực trạng và tính pháp lý. Việc tăng cường tuyên truyền cho người dân sống ở vùng có đường biên chạy qua cũng rất quan trọng, tránh để đảng đối lập Campuchia lấy cớ vin vào chống phá. Việt Nam cũng cần mềm dẻo và linh hoạt khi giải quyết các sự cố như vừa xảy ra ở Long An cuối tháng 6.
Việt Anh