Cuối tuần qua, Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên TPP phiên thứ 5 đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, gây ra những lo ngại tiến trình đàm phán có thể chậm lại hoặc đổ vỡ, sau khi đã kéo dài gần 10 năm. Trong thông báo phát đi hôm nay (3/8), Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết các nước thành viên TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể, chỉ để lại một số ít các vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Ngoài ra, 12 quốc gia cam kết sẽ tiếp tục duy trì động lực đàm phán để giải quyết các vấn đề còn tồn tại này.
"Những tiến bộ đáng kể đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nước TPP trong việc tạo ra một hiệp định FTA đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Bộ Công Thương nêu.
Cũng tại hội nghị, Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ đàm phán song phương với các nước có liên quan, sau khi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tiến hành đàm phán và trao đổi bên lề với đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản - hai nước lớn nhất trong TPP, cùng lãnh đạo của Malaysia, Mexico, Singapore, Canada.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét việc chưa tìm được tiếng nói chung ở tất cả nội dung sẽ khiến thời điểm ký TPP lùi lại, nhất là khi Mỹ sắp bước vào bầu cử Tổng thống. Song, ông khẳng định đàm phán sẽ tiếp tục phát triển để hướng tới một khu vực kinh tế chung bao trùm 40% GDP toàn cầu và khoảng 25% thương mại thế giới.
“Cá nhân tôi cho rằng trong năm nay vẫn có khả năng kết thúc được những đàm phán cơ bản. Mọi vấn đề còn tùy thuộc vào nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là chính quyền Tổng thống Obama”, ông nói.
Với vai trò là thành viên nhóm tư vấn chính sách cho Thủ tướng, vị này cũng dẫn chứng sự quan tâm tuyệt đối của Việt Nam với TPP. Ngay sau phiên họp Chính phủ cuối tuần trước, ông cho hay Bộ Chính trị đã họp bàn về TPP trong lúc Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang đàm phán tại Hội nghị ở Hawai.
Dù còn vướng mắc ở một số điểm, các chuyên gia cho rằng nếu hoàn tất đàm phán, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích vô cùng lớn. Theo báo cáo Tác động của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến Việt Nam của VEPR được công bố sáng nay, GDP Việt Nam sẽ tăng tới 2% nếu gia nhập cộng đồng kinh tế này, trong khi mức thay đổi của các quốc gia còn lại đều dưới 1%. Đầu tư toàn xã hội cũng tăng ấn tượng nhất trong các nước, lên tới 30%. Về giá trị tuyệt đối, Việt Nam sẽ có thêm gần 13 tỷ USD vốn đầu tư, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ.
"Có thể thấy rõ rằng mức tăng đầu tư vào Việt Nam là nổi bật nhất khi so sánh với các nước khác tính theo cả phần trăm hay giá trị tuyệt đối. TPP sẽ kích thích sự hình thành các nguồn vốn cố định ở Việt Nam", nhóm nghiên cứu của VEPR chia sẻ. Song, đại diện VEPR cũng khẳng định kết quả này mới là đánh giá tổng thể, còn chi tiết hơn cần những đánh giá trong dài hạn. "Báo cáo giống như chụp lại thế giới từ trên trực thăng, nhưng sau đó sẽ phải đổ bộ xuống từng khu vực để nghiên cứu kỹ hơn”, Viện trưởng VEPR cho biết.
Cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng được định hình lại nhờ TPP. Những ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm như thịt lợn, gà, sữa, lâm nghiệp, gỗ, khai khoáng… sẽ thu hẹp; mặt khác, có sự mở rộng về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và những ngành ít thương mại, đặc biệt là dệt may, da giày, dịch vụ công và xây dựng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng để TPP có sức lan tỏa cao trong dài hạn, Việt Nam cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập nếu không đi liền với những cải cách thì không những khiến Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt mà còn có thể dẫn đến những suy giảm trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ không duy trì được lợi thế về lao động giá rẻ và tăng trưởng kinh tế như trước, giống như trường hợp Trung Quốc hiện nay.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những biện pháp hợp lý để đối phó với tình huống mất cân đối ngân sách, bởi khi hiệp định TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến cho doanh thu từ thuế giảm. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi khi dỡ bỏ thuế quan, các hàng rào phi thuế quan sẽ ngày càng nhiều.
TPP có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (P4) được ký kết ngày 3/6/2005 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Đến nay, đã có 12 nước tham gia đàm phán, gồm 4 thành viên sáng lập, thêm Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico, Nhật Bản. Hiệp định được đánh giá là công trình của thế kỷ XXI với kỳ vọng tạo ra một tiêu chuẩn, khuôn khổ cơ bản cho quá trình hội nhập khu vực, thậm chí của cả thế giới. So với các Hiệp định thương mại tự do khác (gọi chung là FTA), TPP có tham vọng, toàn diện và sâu rộng hơn hẳn.
Cũng bởi tính chất phức tạp, từ năm 2011, các thành viên nhiều lần đặt ra các thời hạn mục tiêu để kết thúc đàm phán, nhưng đều không thành công. Và dù kỳ vọng TPP sẽ được ký vào năm nay sau khi Tổng thống Mỹ giành được quyền đàm phán nhanh (TPA), song việc chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng ở vòng đàm phán cấp Bộ trưởng vừa kết thúc (28-31/7/2015), nhiều chuyên gia nhận định TPP có ký được vào cuối năm nay hay không vẫn chưa chắc chắn.
Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phát đi cuối tuần qua cũng khẳng định đàm phán TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể và các bên sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết một số lượng hạn chế các vấn đề còn lại, dọn đường cho việc kết thúc các cuộc đàm phán. Là một trong những "siêu cường" trong TPP và kỳ vọng sẽ biến đây trở thành Hiệp định của thế kỷ XXI, Mỹ cho biết ở giai đoạn cuối của cuộc đàm phán, quốc gia này tự tin hơn bao giờ hết rằng TPP trong tầm tay. Nước này nhấn mạnh sẽ mang lại một hiệp định TPP đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao, giúp cho việc làm và tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Riêng với Việt Nam, đại sứ Ted Osius nhận định: "Việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ giúp đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện. Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất". |
Phương Linh