Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (P4) được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Đến nay, đã có 12 nước tham gia đàm phán, gồm 4 thành viên sáng lập, thêm Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico, Nhật Bản. Khối này bao phủ 40% GDP kinh tế toàn cầu và dự kiến mang lại thêm 300 tỷ USD nếu hiệp định hoàn thành.
TPP được đánh giá là hiệp định của thế kỷ XXI với kỳ vọng tạo ra một tiêu chuẩn, khuôn khổ cơ bản cho quá trình hội nhập khu vực, thậm chí của cả thế giới. So với các Hiệp định thương mại tự do khác (gọi chung là FTA), TPP có tham vọng, toàn diện và sâu rộng hơn hẳn. Điều này có thể nhìn thấy qua cách Mỹ đàm phán, "ông lớn" này không cho phép các mức cam kết của hiệp định thấp hơn các tiêu chuẩn, mức cam kết trong các FTA trước đây mà nước này đã ký.
Hiện 12 nước thành viên đã trải qua 19 vòng đàm phán chính thức, 5 phiên họp cấp Bộ trưởng và hàng chục vòng đàm phán không chính thức, cùng với đó là một số lượng lớn cuộc gặp, đàm phán song phương giữa các cặp đối tác trong TPP. So với nhiều đàm phán thương mại tự do khác thì số vòng và thời gian đàm phán của TPP lớn hơn đáng kể. Thậm chí, kể từ vòng đàm phán thứ 19 (tháng 9/2014) tại Singapore, các nước đã không còn đặt số thứ tự cho các lần làm việc. Ngoài ra, trong đàm phán TPP có những hình thức đàm phán đặc thù riêng, ví dụ các phiên họp cấp Bộ trưởng sẽ bàn về những vấn đề không thể quyết được ở cấp kỹ thuật mà cần các định hướng chính trị lớn hơn.
Từ năm 2011, các thành viên đã nhiều lần đặt ra các thời hạn mục tiêu để kết thúc đàm phán nhưng đều không thành công. Và dù kỳ vọng TPP sẽ được ký vào năm nay sau khi Tổng thống Mỹ - Barrack Obama giành được quyền đàm phán nhanh (TPA), song việc chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng ở phòng đàm phán cấp Bộ trưởng vừa kết thúc (28-31/7/2015), TPP vẫn cho thấy sự bế tắc. Các chuyên gia trước đó nhận định nếu lỡ cơ hội này, các nước sẽ phải chờ đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2017 mới có thể ký được TPP. Khi ấy, tình hình có thể sẽ thay đổi.
Những điều này cho thấy tính chất phức tạp của các vấn đề trong đàm phán cũng như khoảng cách khác nhau giữa các nước trong nhiều lĩnh vực thuộc đàm phán TPP như sở hữu trí tuệ, thuế một số mặt hàng nhạy cảm, mua sắm Chính phủ...
Đàm phán TPP được thỏa thuận là đàm phán mật. Do đó ngoài các đoàn đàm phán và các cơ quan có thẩm quyền trong nội bộ từng nước, không có chủ thể nào khác được thông tin chính thức và chính xác về các nội dung đàm phán cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy TPP không chỉ bàn về các vấn đề thương mại, dịch vụ, đầu tư mà còn “lấn” sang cả lĩnh vực phi thương mại khác.
Trước kia khi đàm phán WTO, Việt Nam chỉ phải đàm phán 2 lĩnh vực là mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, cùng với đàm phán đa phương, thì nay sang TPP, Việt Nam phải đàm phán tới 30 chương, trong đó có những lĩnh vực lần đầu tiên như công đoàn, lao động, doanh nghiệp Nhà nước.
Trong thương mại, hiệp định yêu cầu phải mở cửa hoàn toàn thị trường trong lộ trình rất ngắn, tức là mức thuế gần như về 0%, chỉ trừ một số rất ít mặt hàng cực kì nhạy cảm sẽ qua cơ chế song phương. Đây được đánh giá là một phạm vi toàn diện hơn bất kỳ FTA nào, ví dụ với Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ ký năm 2000, Việt Nam phải cắt giảm thuế quan cho khoảng 250 sản phẩm, đưa thuế suất về trung bình về 15-20% với lộ trình thực hiện trong 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Hay với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), lộ trình giảm thuế của Việt Nam kéo dài suốt từ năm 1999 đến 2018, trong đó vẫn còn giữ lại một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, trứng gà, xăng dầu...
Ở lĩnh vực tài chính, sau WTO, gần như Việt Nam chưa đàm phán một hiệp định nào yêu cầu mở cửa tự do quy mô lớn ở lĩnh vực này. Song so với Hiệp định thương mại dịch vụ (GATS) của WTO, đàm phán dịch vụ tài chính trong TPP đã có nhiều khác biệt lớn.
Đàm phán TPP được thực hiện theo phương thức tiếp cận "chọn - bỏ", khác với phương thức "chọn - cho" của WTO. Điều này có nghĩa TPP chỉ cho phép các nước bảo lưu một số lượng hạn chế các ngành, phân ngành và phải giải trình với lý do hợp lý để được bảo lưu. Nếu không giải trình được lý do nhạy cảm đó, thì phải tuân thủ đúng những nguyên tắc TPP, tức là phải mở cửa. Còn với khi đàm phán WTO, Việt Nam được chọn mở ngành nào sẽ mở ngành đó.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc Việt Nam tham gia đàm phán dịch vụ tài chính với cách tiếp cận mới này được cho là một thách thức lớn, vì phải đảm bảo không bị thiếu sót dẫn đến việc mở cửa thị trường vượt quá khả năng quản lý, cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Chương lao động cũng hoàn toàn mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều đối tác trong đàm phán TPP, hầu như chưa từng xuất hiện trong các đàm phán thương mại trước đây (bao gồm cả WTO và các FTA thế hệ trước).
Trung tâm WTO đánh giá đàm phán về lao động chủ yếu tập trung xung quanh các cam kết liên quan tới các quyền lao động cơ bản. Đây không phải là những nội dung mới bởi hầu hết đã có trong các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhưng lại đặt ra thách thức lớn cho hầu hết các nước vì nhiều nước trong số này chưa gia nhập hoặc chưa phải thành viên của tất cả các Công ước liên quan của ILO.
Doanh nghiệp Nhà nước là một chương quan trọng trong đàm phán TPP, với mục tiêu đưa ra những quy định ràng buộc hoạt động của khu vực này ở các nước TPP, trong đó có Việt Nam. Đây là chế định thương mại mới, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các vòng đàm phán có quan điểm rất khác nhau về vấn đề này.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đánh giá những đòi hỏi tham vọng của TPP cho thấy quá trình đàm phán không hề đơn giản, thậm chí căng thẳng và có thể kéo dài. "Khó khăn để ra đời một TPP cũng đồng nghĩa hiệp định có thể có những tác động đáng kể đến các nền kinh tế thành viên", vị này cho hay.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân tổ chức cuối tháng 4/2015, Trưởng đoàn đàm phán TPP - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh: "Chỉ khi nào có lợi cho Việt Nam thì mới kết thúc đàm phán, đoàn không đặt ra mục tiêu cụ thể về thời gian".
Phương Linh