- Dự báo năm nay GDP của Việt Nam tăng 6,5-7%. Ông nghĩ sao nếu đặt mục tiêu tăng trưởng tương đương cho năm 2009?
Ông Supachai Panitchpakdi. |
- Tôi nghĩ việc hạ mục tiêu tăng trưởng sẽ không tác động nhiều đến thành quả mà Việt Nam đã đạt được, vì tình hình suy giảm đang xảy ra toàn cầu. Mỹ cũng đã phải hạ tăng trưởng. Trong năm 2008, họ dự báo tăng 1%, nhưng sau biến động những ngày qua, theo tôi có thể xuống còn 0,8%.
Việt Nam duy trì tăng trưởng ở mức 6% là tốt rồi, và cũng không nên có cảm giác thua thiệt, vì đây là tình hình chung tại các nền kinh tế. Điều cần thiết hiện nay là củng cố các yếu tố cơ bản đối với nền kinh tế như khắc phục thâm hụt tài khoản vãng lai, bình ổn tỷ giá. Làm được những việc này thì mới duy trì tăng trưởng bền vững.
- Trong trường hợp khủng hoảng tài chính Mỹ lan rộng hơn, Việt Nam cần thay đổi như thế nào để thích nghi với việc nguồn vốn có thể bị thu hẹp?
- Chính sách kiểm soát lạm phát của Chính phủ Việt Nam hiện nay đi đúng hướng. Trong thời gian gần đây, giá dầu thô đang giảm, cho thấy chính sách giảm lạm phát của các chính phủ, trong đó có Việt Nam, đã có tác dụng.
Mặt khác, tôi cho rằng không phải lo ngại về nguồn vốn vì danh mục đầu tư của Việt Nam hiện rất phong phú. Tôi không nghĩ Việt Nam thiếu vốn hay thiếu các dự án đầu tư, mà điều đáng lo là làm thế nào hài hoà các dự án này trong tổng thể nền kinh tế.
TS. Supachai Panitchpakdi, quốc tịch Thái Lan, hiện là Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Ông là Tổng giám đốc WTO trong các năm 2002-2005, là người tiền nhiệm của ông Pascal Lamy. Ông Supachai từng là Phó thủ tướng Thái Lan trong những năm xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ cuối những năm 1990 và tham gia giải quyết khủng hoảng. |
Tôi quan sát thấy các địa phương cấp phép không theo quy hoạch tổng thể, mà cấp phép một cách tràn lan. Vốn đưa vào là được cấp phép, mà không có chiến lược phân bổ, hấp thụ ra sao. Đó là một điều rất nguy hiểm.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính tại Mỹ là thị trường nhà đất phát triển bong bóng. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cũng muốn tránh cuộc khủng hoảng bong bóng trên thị trường nhà đất. Vì thế, tốt nhất là kiểm soát nguồn vốn vay với các dự án địa ốc và tính thanh khoản của các bên đi vay.
- Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam từ kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng trong khu vực?
- Một trong những vấn đề của khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay là thế giới làm thế nào để cải tổ một cách toàn diện các thể chế tài chính toàn cầu. Các tổ chức tài chính ở châu Á cũng cần phối hợp.
Cách đây 10 năm, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thái Lan được cho là do tình trạng thân quen móc ngoặc gây ra. Nhưng tôi cho đây là cuộc khủng hoảng mang tính cơ cấu, có tính hệ thống, vì Thái Lan thả nổi tỷ giá và để thâm hụt tài khoản vãng lai vượt quá mức cho phép.
Vì thế, cần rút ra bài học từ những cuộc khủng hoảng. Việc cải tổ hệ thống tài chính, thuế không cản trở việc chống lạm phát, mà nó giúp duy trì ổn định, tăng giám sát và minh bạch cho các tổ chức tài chính.
- Với tình hình lạm phát chững lại trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng Việt Nam đã có thể hạ lãi suất cơ bản. Ông nghĩ sao?
- Việc hạ lãi suất cơ bản là không tránh khỏi trong tương lai. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng tôi hy vọng việc này sẽ không bị làm thái quá, vì hiện tượng giảm cầu bắt đầu xuất hiện trên thị trường thế giới và trong nước.
Việc thực hiện chính sách tiền tệ phải thực hiện song song với chính sách tài khoá, tăng thu nhập cho người dân, vì lạm phát hiện nay là lạm phát về giá và lương.
- Trong thời điểm này, Chính phủ nên làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân?
- Như tôi đã nói, không nên thực hiện thái quá chính sách thắt chặt tiền tệ, vì nó sẽ giết chết các sáng kiến của khu vực kinh tế tư nhân. Việc thực hiện chính sách tài khoá kèm theo cũng phải làm sao thúc đẩy được kinh tế tư nhân.
Có thể cắt giảm một số hạng mục thuế để hỗ trợ họ. Đồng thời, khu vực tư nhân có trách nhiệm đa dạng hoá hình thức kinh doanh cũng như cơ cấu hàng xuất khẩu của mình.
Một điều nữa là Chính phủ không được để lương tăng theo giá, vì nếu điều này xảy ra thì việc tăng giá và lương diễn ra liên tục. Chúng ta phải gắn chính sách lương của các doanh nghiệp với tăng năng suất, cũng như kiểm soát lạm phát. Chính phủ chỉ nên có vai trò điều tiết.
Ngọc Châu ghi