"Nó giống như xổ số vậy", Olivier Lerner, tác giả cuốn NFT Mine d'Or (Mỏ vàng NFT) nêu quan điểm trên France24. "Bạn chơi, nhưng không bao giờ thắng".
Theo Lerner, NFT đang ở giai đoạn "hoang dã", mọi người chỉ chạy theo trào lưu nhưng không biết mình đang mua thứ gì. Tài sản số này chưa được quản lý cũng là vấn đề khiến người chơi có thể mất tiền mỗi khi dự án gặp sự cố.
Các chuyên gia khác cũng có cái nhìn bi quan. "Ngay khi một công nghệ mới xuất hiện, lập tức có những kẻ lừa đảo vây quanh", Eric Barbry, luật sư chuyên về mảng blockchain, nói với AFP. Ông cũng nhấn mạnh thị trường NFT không có quy định riêng, nên các cơ quan thực thi pháp luật buộc phải sử dụng khuôn khổ hiện có. Dù vậy, cách này chỉ giải quyết một cách hạn chế trong trường hợp người chơi bị lừa.
Theo Molly White, nhà phê bình nổi tiếng về tiền điện tử, các quy định có thể giúp loại bỏ vấn đề đầu cơ cực đoan trong NFT. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa yếu tố hấp dẫn nhất của loại hình này là mang lại lợi nhuận nhanh chóng sẽ biến mất.
"Ở dạng hiện tại, giao dịch NFT cực kỳ rủi ro và có lẽ là không khôn ngoan đối với người bình thường", bà White nói. "Chúng ta nên hạn chế cường điệu hóa loại hình này".
Dấu hiệu đi xuống
NFT (non-fungible token) là chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu. Trong năm 2021, NFT trở thành hiện tượng trong giới công nghệ với các tác phẩm được bán từ vài trăm nghìn USD tới hàng chục triệu USD. Nhiều người nổi tiếng như Paris Hilton, Gwyneth Paltrow hay Serena Williams khoe đang sở hữu NFT.
Theo thống kê của NonFungible, tổng giá trị NFT giao dịch năm ngoái đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.350% so với mức 82,5 triệu USD của năm 2020. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, lĩnh vực NFT đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Số lượng NFT giao dịch trong quý đầu năm giảm gần 50% so với quý trước. "Thị trường NFT có thể đang 'tiêu hóa' lượng lớn tác phẩm tạo ra năm ngoái, nên chưa thể khởi sắc trong nửa đầu năm nay", NonFungible bình luận.
Trong khi đó, báo cáo từ công ty theo dõi thị trường tiền số CryptoSlam cho thấy, chỉ có 31 triệu USD được giao dịch trong 15 ngày đầu tháng 5, thấp nhất trong năm nay. Những tháng trước, tổng khối lượng giao dịch luôn ở mức hàng trăm triệu USD.
Theo số liệu trước đó của CryptoSlam, số người mua NFT đơn lẻ giảm từ mức đỉnh 998.271 lượt vào tháng 1 xuống còn 664.077 lượt cuối tháng 3. Doanh thu toàn cầu trong lĩnh vực này cũng sụt gần một nửa, từ 4,6 tỷ USD xuống 2,4 tỷ USD.
Những vấn đề còn tồn tại
Theo bà Molly White, có nhiều lý do dẫn đến sự suy thoái của NFT. "Đó có thể là sự suy giảm chung của thị trường sau thời gian dài được cường điệu hóa, nhất là từ người nổi tiếng. Tuy nhiên, nó còn đến từ nỗi sợ hãi từ những trò gian lận đang tồn tại trong lĩnh vực này", bà nói.
Vào tháng 1, OpenSea - sàn giao dịch NFT lớn nhất thế giới - thừa nhận có tới 80% số NFT trên nền tảng này là bản sao không phép của các NFT khác hoặc các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng ngoài đời thực. LookRare, sàn giao dịch NFT vượt qua OpenSea về số lượng bán ra NFT năm nay, cũng gặp vấn đề tương tự. Theo CryptoSlam, tới 95% tác phẩm trên nền tảng này bị phát hiện là giả mạo.
Sự cuồng nhiệt của người dùng cũng đang đi xuống. Nhiều NFT triệu USD giờ không còn "hot". Ví dụ, tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey từng được mua giá 2,9 triệu USD, nhưng hiện chỉ trả giá không quá 20.000 USD. Một số NFT triệu USD trong bộ sưu tập CryptoPunk cũng giảm giá hàng chục lần.
Game NFT - lĩnh vực thúc đẩy thị trường NFT phát triển - cũng có dấu hiệu chững lại. Sau khi cầu nối Ronin phía sau Axie Infinity bị tấn công và bị lấy đi hơn 600 triệu USD, niềm tin về game NFT được cho đã giảm sút. Hai token liên quan đến game là AXS và SLP giảm giá, người chơi cũng không còn kiếm được nhiều tiền như trước.
Theo giới chuyên gia, hầu hết game NFT không bền vững, vì người chơi chủ yếu "cày" để kiếm và rút tiền hơn là đầu tư trở lại trong game. Dù các công ty đang cố gắng đa dạng các loại hình để thu hút, một số chuyên gia vẫn tin chúng chỉ là trào lưu nhất thời, không thể tồn tại nhiều năm.
Bảo Lâm