Tại dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2030, Bộ Công Thương cho biết mục tiêu tổng lượng ôtô bán ra đạt khoảng 1-1,1 triệu xe, tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16% mỗi năm. Trong đó, tiêu thụ xe điện và hybrid, năng lượng mặt trời chiếm 350.000 chiếc đến năm 2030.
Đến năm 2045, tăng trưởng thị trường này có thể đạt 11-12% mỗi năm, tổng lượng xe 5-5,7 triệu chiếc. Trong đó, xe điện, sử dụng năng lượng sạch chiếm 80-85% thị phần, tương đương 4,3-4,4 triệu xe. Sản lượng xe lắp ráp trong nước khoảng 4-4,6 triệu chiếc, đáp ứng 80-85% nhu cầu nội địa.
Mức tiêu thụ đặt ra tới năm 2030 gấp khoảng 2,5 lần số liệu ghi nhận vào cuối năm 2023. Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết năm 2023, lượng xe trên toàn quốc đăng ký mới là hơn 408.500 chiếc. Tổng số xe đã đăng ký lũy kế đến cuối năm là 6,31 triệu chiếc.
Mức này cũng gấp đôi lượng bán ra kỷ lục trong năm 2022, vượt 500.000 xe, thuộc nhóm 4 thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Thời điểm đó, doanh số nửa triệu xe tại khu vực vốn chỉ có 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đạt được. Cùng đó, tăng trưởng sức mua của thị trường ôtô Việt Nam cao thứ hai khu vực, chỉ sau Malaysia.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến nay, thị trường ôtô Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện, mức sở hữu xe bình quân đầu người là 63 xe trên 1.000 dân vào 2023. Nếu chỉ tính xe du lịch dưới 9 chỗ, tỷ lệ sở hữu ôtô là 30 xe trên 1.000 dân. Tỷ trọng xe cá nhân, gia đình và tổ chức chiếm 67% tổng lượng ôtô đang lưu hành toàn quốc, theo cơ quan quản lý.
Khi xây dựng chiến lược lần này, nhà chức trách cũng muốn tăng tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước lên khoảng 70% so với nhu cầu nội địa vào 2030, và đáp ứng 87% vào năm 2045. Hiện, tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) vẫn khá lớn, khoảng trên 40%, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và VAMA.
Cùng đó, Việt Nam định hướng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, đến 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô sẽ đáp ứng khoảng 55-60% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp trong nước, tăng lên 80-85% vào 2045.
Ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tăng ứng dụng công nghệ để chế tạo các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe. Họ cũng phải tăng hợp tác với các hãng ôtô lớn, lựa chọn loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.
Hiện, cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo. Song, theo Bộ Công Thương, chất lượng nguồn nhân lực ngành cơ khí chưa đáp ứng nhu cầu vận hành các thiết bị công nghệ cao. Đây là một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, hiệu quả kinh tế của ngành gia công cơ khí.
Trong khi đó, những linh kiện nội địa hóa được, chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn. Phần lớn linh kiện yêu cầu hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao phải nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước cũng chưa sản xuất được các cụm linh kiện phức tạp.
Những bộ phận trên xe hơi được làm chủ yếu từ sắt thép, trong khi Việt Nam vẫn chưa tự chủ được nguồn cung này. Đặc biệt, những bộ phận chịu lực, nhiệt cao như động cơ, hộp số, trục khuỷu đều phải làm từ gang xám, gang dẻo, gang cầu, hợp kim nhôm mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu.
Thông thường, chuỗi giá trị ngành ôtô chia làm 2 phần. Hạ nguồn là các khâu thiết kế, sản xuất linh kiện, phụ tùng cấp 1, cấp 2. Khâu này chiếm gần 60% giá trị thành phẩm xe nhưng các doanh nghiệp ôtô nội địa hoàn toàn bị động.
Còn khâu thượng nguồn, gồm lắp ráp, phân phối, bán hàng và chăm sóc khách hàng, chỉ đóng góp khoảng 15% tổng giá trị xe. Đây chính là khâu các doanh nghiệp Việt Nam đang làm.
Thái Lan, hiện có 710 nhà cung cấp cấp 1, 1.700 đơn vị cấp 2 phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ôtô. Nhưng, Việt Nam chỉ có khoảng 33 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 200 nhà cấp 2. Thậm chí, Việt Nam không có một nhà cung cấp có tên tuổi lớn chuyên cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho ngành này.
"Để tạo được những sản phẩm ôtô tốt cần có vật liệu tốt để chế tạo và năng lực chế tạo, lập trình robot, kiểm soát chất lượng phải cao", Bộ Công Thương đánh giá, cho rằng đây là việc cần cải thiện. Thực tế, ngành ôtô Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường nhưng vẫn chưa tạo được lòng tin cao ngay cả với người tiêu dùng nội địa.
Phương Dung