Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Thụy Sỹ trong hai ngày 1 và 2/9.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quế Lâm, Phó tổng cục trưởng Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới.
"Thực tế đó, đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn", ông Lâm nói và cho biết Việt Nam cam kết chính trị với cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Người đại diện Việt Nam cũng kêu gọi thành lập Uỷ ban đàm phán Liên chính phủ tại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 2/2022, qua đó nhanh chóng bắt đầu tiến trình đàm phán cho một thoả thuận toàn cầu mang tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa.
Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương được đẩy lên cao trên chương trình nghị sự, xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.
Ngày thứ 2, phiên đối thoại cấp cao, các đại diện cấp cao sẽ được mời xem xét thông qua Tuyên bố Bộ trưởng. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại này.
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, hàng năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng việc xử lý vẫn còn yếu kém khiến cho khối lượng rác thải nhựa trong môi trường tăng nhanh.
Những hạt vi nhựa (microplastic) khi đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn... và khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc môn, bệnh về hô hấp, thần kinh...
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).
Thời gian qua, Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường như: thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Thiết lập cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.