Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sẽ điều tra hành vi chống trợ cấp, chống phá giá với mặt hàng này từ Thái Lan. Việc điều tra được thực hiện trên cơ sở hồ sơ từ đại diện ngành sản xuất mía đường trong nước.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN đã được Việt Nam bãi bỏ từ đầu năm nay, theo cam kết trong ASEAN liên quan tới áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO. Tuy nhiên, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan tăng đột biến. Trong tổng số 950.000 tấn mía đường được nhập về Việt Nam trong 8 tháng, gần 85% là đường nhập từ Thái Lan, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ và gần ba lần cả năm 2019.
Đại diện ngành sản xuất trong nước cho rằng, lượng nhập khẩu mía tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước. Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước.
Ngoải ra, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cung cấp thông tin, bằng chứng cho thấy đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước với hàng hóa bị áp thuế trong 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời. Vì vậy, cơ quan này khuyến cáo các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu, phân phối mía đường nhập từ Thái Lan trong diện bị điều tra có thể bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời.
Anh Minh