"Các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông, hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay nêu quan điểm khi được hỏi về phản ứng đối với thông tin "Trung Quốc gần đây bao vây đảo Thị Tứ và Mỹ đưa nhiều máy bay B52 đến diễn tập ở Biển Đông".
Bà Hằng khẳng định đây là những việc mà các nước liên quan cần làm trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hôm 5/3, giới chức Philippines cho biết các tàu cá Trung Quốc ép ngư dân Philippines rời khỏi những bãi cạn nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Mỹ, ngày 7/2 cho biết gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá, vào giữa tháng 12 đã áp sát đảo Thị Tứ. Con số này giảm xuống còn 42 chiếc vào 26/1. Báo cáo của AMTI cho rằng sự hiện diện của đội tàu Trung Quốc là một phần nỗ lực gây sức ép, buộc Philippines ngừng hoạt động cải tạo trên đảo Thị Tứ.
Về phía Mỹ, nước này điều hai máy bay B52 bay qua Biển Đông hôm 4/3, cho hay hoạt động nằm trong chiến dịch "Hiện diện oanh tạc cơ liên tục" nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của không quân Mỹ. Hôm nay, Washington tiếp tục triển khai hai máy bay B52, cho biết Mỹ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông nhằm hỗ trợ các đồng minh, đối tác cũng như ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Đề cập đến tàu cá Quảng Ngãi bị Trung Quốc đâm chìm hôm 6/3, bà Hằng cho hay hiện 5 ngư dân được cứu vẫn trong hải trình và chưa quay về đất liền. Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiếp tục xác minh sự việc và sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các ngư dân. Theo Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Khánh Lynh