Cơ quan này cũng đề nghị nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lên 6-8 tỷ USD mỗi năm. VASEP kiến nghị Chính phủ trước mắt cần cho phép áp dụng thuế nhập khẩu thống nhất 0% hoặc 0,5% cho tất cả các loại nguyên liệu thủy sản, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, triển khai xây dựng Đề án Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến hàng xuất khẩu đến năm 2020 với các chính sách đồng bộ về thuế, đảm bảo tài chính của các ngân hàng lớn, phát triển các đầu mối nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hải quan và kiểm tra an toàn thực phẩm… Mục tiêu của Đề án là sẽ nhập khẩu 2 tỷ USD nguyên liệu thủy sản mỗi năm để đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt ít nhất 7,5-8 tỷ USD vào năm 2020.
Khảo sát của VASEP cho thấy với quy hoạch phát triển thủy sản đã được phê duyệt, sản lượng khai thác hải sản sẽ không tăng hơn mức hiện tại (dưới 2,1 triệu tấn một năm), trong khi nguồn lợi thủy sản ven bờ đã cạn kiệt, đội tàu khai thác xa bờ chưa phát huy được hiệu quả. Nếu chỉ dựa vào nguyên liệu trong nước, theo VASEP khó có thể đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt quá 4 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác và nuôi trồng. Chỉ tính riêng công suất cấp đông của các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh đã lên đến trên 1,5-1,7 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, tương ứng với khoảng 4,5-5,1 triệu tấn nguyên liệu, nhưng tổng sản lượng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm ở trong nước ước tính mới đạt khoảng 3,2 triệu tấn.
Do vậy, đại đa số các nhà máy chế biến thủy sản đều thiếu nguyên liệu, nhất là nguyên liệu khai thác từ biển, đặc biệt trong những thời điểm giáp vụ. Do thiếu nguyên liệu nên các nhà máy đông lạnh chỉ hoạt động dưới 50% công suất thiết kế, gây lãng phí lớn về đầu tư. Để khắc phục một phần tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến và gia tăng giá trị.
Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nếu đón nhận được các dòng nguyên liệu thủy sản chủ yếu từ các nước xứ lạnh (Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương) và các nước chậm phát triển, Việt Nam có cơ hội để trở thành một cường quốc về chế biến và xuất khẩu thủy sản. Từ vị trí số 6 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản hiện nay, nếu nhập khẩu được khoảng 1-2 tỷ USD nguyên liệu thủy sản mỗi năm, Việt Nam có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản thêm 1,8-3,5 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lên 6-8 tỷ USD, vươn lên xếp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
(Theo TTXVN)