Thị trường fintech (tài chính công nghệ) đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Xuất hiện từ năm 2015, các fintech startup đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dùng trong lĩnh vực tài chính, các tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước.
Đến nay Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp fintech hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán.
Công nghệ chuỗi khối (blockchain), định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API), thanh toán điện tử (e-payments) đang được tập trung phát triển. Tuy nhiên hành lang pháp lý để hoạt động này còn thiếu khiến startup khó phát triển, các bên muốn kết nối cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định ràng buộc.
Tại hội thảo của Làng khởi nghiệp công nghệ tài chính vừa tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (techfest 2018), ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố pháp lý.
Theo ông Sơn, pháp lý là vấn đề trở ngại lớn nhất hiện nay. Thể chế quản lý hoạt động fintech chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào. Hiện chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động fintech.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, ở lĩnh vực công nghệ tài chính nếu kết hợp cả ba bên sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau. Đây cũng là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực fintech bởi đây là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chuyên gia cũng gợi ý cơ quan quản lý trước mắt có thể ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm khi chưa thể xây dựng ngay một khuôn khổ pháp lý tổng thể. Cách làm này sẽ giúp các bên điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với thực tế.
Nghiên cứu của Solidiance (Công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị chuyên về thị trường châu Á) cho thấy, tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỉ USD vào năm 2020.