Tại hội thảo chuyên đề "Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 30/11, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
![Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/01/thu-truong-tran-van-tung-phat-7557-9062-1543676274.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dn4GnRLiwcBO1r4-SstQ_w)
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện.
Ông Dominic Mellor, Chuyên gia đầu tư cao cấp, khối tư nhân và chương trình đầu tư mạo hiểm của ADB cho rằng, hệ sinh thái khỏe gồm nhiều thành phần là nhà nghiên cứu, viện, trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp...
Các thành phần này cùng hỗ trợ startup từ ý tưởng ban đầu đến khi ra sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường và trở thành doanh nghiệp lớn mạnh.
Trong dòng phát triển này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo, tạo không gian, hạ tầng cứng giúp Việt Nam trên con đường hướng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương ra quốc tế.
Theo bà Martin Webber, Phó chủ tịch thường trực của Công ty J.E. Austin, hệ sinh thái và hạ tầng đã được tạo lập cần có sự liên kết chặt chẽ. Ở các địa phương để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp cần có một mạng lưới. Mạng lưới sẽ kết nối các thành phần, tương tác được với nhau, hỗ trợ cùng phát triển.
Để startup phát triển, các yếu tố vườn ươm, tiếp cận thị trường và định chế tài chính phải cùng liên kết với nhau.
![Sản phẩm startup trưng bày tại Techfest 2018. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/01/he-sinh-thai-khoi-nghiep-6633-1543636700.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eMdyY73XGsR_iaM0BcGvDg)
Sản phẩm startup trưng bày tại Techfest 2018. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng minh chứng từ thực tế địa phương, khi các thành phần làm việc cùng nhau thì hoạt động khởi nghiệp mới phát triển được sôi động.
Dù vậy, ông Dũng nhìn nhận văn hóa Việt Nam cũng tạo nhiều rào cản cho phát triển hệ sinh thái. Hạn chế lớn nhất là có quá ít các doanh nghiệp đầu đàn đóng vai trò dẫn dắt, trong khi hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp còn hạn chế.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết Bộ đã chắp nối các địa phương bằng cơ chế chính sách và các dự án như: Chương trình Nông thôn Miền núi, Đề án 844, Chương trình Quốc gia phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương...
Thông qua các chương trình này, các vườn ươm, trung tâm ươm tạo khởi nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ cả kinh phí và tư vấn của chuyên gia.
Nhưng quan trọng hơn cả, theo ông Tùng, muốn thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần thay đổi tư duy cán bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố để họ nhận thấy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.